menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Trung

Giá nào cho tăng trưởng đột phá?

Để tăng trưởng nhanh và bền vững, phải chấp nhận bứt ra khỏi vùng an toàn”...

Việt Nam đang đặt mục tiêu hướng tới tăng trưởng chất lượng cao hơn trong giai đoạn 2020-2030. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để làm được điều đó cần có ưu tiên chính sách và những đánh đổi nhất định. Bởi trong giai đoạn tới, nếu quyết tâm giữ ổn định vĩ mô như giai đoạn vừa qua thì chấp nhận tốc độ tăng trưởng khó có đột phá, còn nếu tăng trưởng đột phá thì phải chấp nhận trả giá.

Ổn định hay bùng nổ và chấp nhận trả giá?

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đặt vấn đề, 10 năm vừa qua (2011-2020), tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam chỉ đạt 6,3-6,4%/năm, trong khi 10 năm trước đó là trên 7%/năm. Như vậy trong 10 năm vừa rồi tốc độ tăng trưởng thấp dần đi, mất khoảng 0,6 điểm % so với 10 năm trước. Với đà giảm tốc đó, giai đoạn tới tốc độ tăng trưởng có khả năng chỉ đạt 5,7%/năm, trong khi để đạt mục tiêu đặt ra trong khát vọng Việt Nam 2035 là đuổi kịp các nước khu vực, tốc độ tăng trưởng phải đạt 7-8%/năm, thậm chí còn cao hơn. Như vậy bài toán đặt ra là bằng lòng và duy trì đà tăng trưởng hiện nay hay kích lên ở mức cao hơn?

“Nếu chúng ta khát vọng tăng 7-8%/năm thì giải pháp, cơ chế chính sách nó phải khác. Vấn đề là mình có muốn như vậy không và đưa ra những yêu cầu gì”, ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Ông Sinh phân tích thêm, một trong những nút thắt hiện nay là nguồn lực đầu tư chưa được khai thác hiệu quả. Giai đoạn 2011-2020, tính sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ đạt xấp xỉ 34-35% GDP, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước bình quân đạt trên 40% GDP.

Như vậy, tiết kiệm cao lên trong khi đầu tư giảm đi, cho thấy nguồn lực còn trong xã hội mà không sử dụng được. Hậu quả là đầu tư thấp dẫn tới tăng trưởng cũng thấp. “Thì cơ chế chính sách cần thiết kế như thế nào để huy động được tiền trong dân, làm sao duy trì mức chi ra đầu tư và tiết kiệm bằng nhau. Cần phải tìm ra lý do là sợ rủi ro chính sách hay chưa thấy có kênh đầu tư hấp dẫn”, ông khuyến nghị.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng lo ngại khi trong 30 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cứ chậm dần đều. Điểm sáng trong bối cảnh đó là nền kinh tế được ghi nhận giữ ổn định vĩ mô. “Vậy có phải cái tăng trưởng hợp lý, ổn định vĩ mô là cần thiết không? Nếu cứ như thế này, cứ tăng trưởng giảm dần thì ổn định làm gì, hay phải có sự bùng nổ, chấp nhận cái giá phải trả như thất nghiệp chẳng hạn, để tạo ra hình thức phát triển mới”, ông Kiên đặt vấn đề.

Cùng với đó, theo ông Kiên, cần mạnh dạn thực hiện các cuộc cải cách để chủ động tạo ra các biến đổi đột phá trong nền kinh tế. Cần phải chấp nhận rằng không có cải cách kinh tế nào mà không có trả giá. Tuy nhiên phải trao đổi với các chuyên gia trong nước và quốc tế xem cái giá như thế nào thì chấp nhận được trong thời đại cách mạng công nghiệp như hiện nay.

Định hướng ưu tiên chính sách

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, chất lượng tăng trưởng hiện nay có vấn đề, trong đó năng suất lao động tăng rất chậm. Ông khẳng định với hạn chế này thì cỗ xe kinh tế không thể đi nhanh và bền vững được. Ông Dũng lo ngại chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả 3 cấp độ, từ sản phẩm, DN, quốc gia của Việt Nam đều thấp. “Yếu tố nào đã làm nên cản trở với năng suất lao động hay chất lượng tăng trưởng của Việt Nam? Yếu tố nào là chính?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Do năng suất lao động hạn chế, nên sức cạnh tranh của DN Việt Nam hiện nay rất khó khăn. Chúng ta đều đánh giá cao vai trò khu vực tư nhân và hiểu rằng để phát triển kinh tế phải dựa vào đây. Tuy nhiên số DN thành lập trong các năm qua tăng cao nhưng giải thể, ngừng hoạt động cũng lớn, số khác hoạt động khó khăn, hiệu quả và đóng góp cho ngân sách thấp. Tại sao với sự năng động của nền kinh tế, nỗ lực cải cách, hội nhập, nhưng việc thành lập và hoạt động DN vẫn khó khăn, là vấn đề cần được giải đáp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, vấn đề cốt lõi chính là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của Việt Nam thấp nên không thể làm chủ và nắm vững công nghệ. Do sự thiếu hụt về công nghệ nên tại nhiều địa phương, DN thành lập ra chỉ để làm nhà thầu xây dựng, bán hàng, mở quán ăn…

“Còn khu vực sản xuất có bao nhiêu DN tham gia? Mà nếu không có công nghệ thì sản xuất gì, bán cho ai, sản phẩm làm sao cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng được. Chúng ta không có công nghệ mới, cao thì năng suất chẳng bao giờ thay đổi, nâng cao và tăng nhanh được. Chúng tôi cho rằng đây là điểm nghẽn lớn nhất mà chúng ta ít nói đến”, ông Dũng chỉ ra vấn đề và cho rằng đây là điểm nghẽn lớn nhất mà Việt Nam phải giải quyết mới duy trì đà tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đồng tình với mục tiêu hướng tới tăng trưởng chất lượng cao của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, cần đổi mới theo cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể cởi trói các tiềm năng của nền kinh tế. Ông lưu ý, Việt Nam cần có các chính sách đột phá để đạt được tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Trung Quốc… đã thực hiện thì mới có thể duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững.

Từ mục tiêu đó, WB cũng đưa ra lời khuyên cần ưu tiên chính sách vào việc cải thiện năng suất lao động. Theo đó, nhìn vào dữ liệu ở cấp độ DN của Việt Nam, WB cho rằng có sự cách biệt rất lớn về năng suất giữa các DN. “Cùng là mô hình DN, tri thức công nghệ, tại sao DN năng suất cao mà DN lại có năng suất thấp, với sự chênh lệch lên đến hơn 100 lần. Điều này đòi hỏi phải có sự thúc đẩy chuyển giao tri thức, học hỏi lẫn nhau”, ông Sebastian Eckardt đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, chuyên gia của WB lưu ý, cần đảm bảo phân bổ nguồn lực thị trường đi đến đúng đối tượng là DN có năng suất, hiệu quả cao, tạo dựng khuôn khổ pháp lý về mặt cạnh tranh để giúp DN thích ứng với tri thức mới, đổi mới mô hình hoạt động để nâng cao hiệu quả. Và điều vô cùng cấp thiết khác là tạo ra khuôn khổ pháp luật tốt và hiệu quả để đào thải các DN yếu kém khỏi thị trường.

“Khuôn khổ pháp lý về phá sản của Việt Nam không cao, phải thúc đẩy bảo đảm cái này, tạo cơ hội để các DN có thể dễ dàng gia nhập nhưng cũng dễ dàng bị đào thải khỏi nền kinh tế. Năm 2014, Việt Nam đã có luật phá sản mới, nhưng ở đây còn thách thức xây dựng năng lực cho toà án để thụ lý các vụ việc phá sản”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB đưa ra lời khuyên.

Một hướng ưu tiên khác cho chính sách là củng cố hệ thống trung gian tài chính hiệu quả hơn để tăng cường tiếp cận vốn DN. Theo các chuyên gia của WB, gánh nặng về cung ứng vốn cho nền kinh tế đang đặt lên vai hệ thống ngân hàng, trong khi chưa có thị trường vốn dài hạn để giúp DN huy động vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng. Vì vậy phải có sự phát triển cân đối, đảm bảo khu vực tài chính với các kênh cung ứng vốn đa dạng, giúp điều hoà vốn trong nền kinh tế một cách hiệu quả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả