Giá lúa mì tăng mạnh
Giá múa mì tăng mạnh sau khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng này vào cuối tuần qua.
Giá lúa mì đã tăng hết mức tối đa cho phép vào thứ hai (16/5) sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, gây áp lực lên chi phí lương thực giữa lúc nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Hợp đồng tương lai giao dịch tại sàn Chicago tăng 5,9% lên 12,47 USD mỗi giạ (tương đương khoảng 35,2 lít), mức cao nhất trong hai tháng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá lúa mì đã tăng hơn 60%, do sự gián đoạn nguồn cung bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Hai nước này chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Robert Rennie, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu của ngân hàng Westpac (Australia) cho rằng việc Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì "làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu lương thực".
Lệnh cấm của Ấn Độ công bố chỉ vài ngày sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu sẽ giảm lần đầu tiên sau 4 năm vào giai đoạn 2022-2023. Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) trong tháng này đánh giá cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên mong manh trước những cú sốc bất ngờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực.
Diễn biến giá lúa mì trên sàn Chicago, đơn vị USD/giạ. Đồ họa: FT
Theo ông Robert Rennie, tác động của lệnh cấm từ Ấn Độ có khả năng ảnh hưởng nặng nề nhất đến các thị trường đang phát triển ở châu Phi và Trung Đông, khi các nước phát triển chuyển sang củng cố nguồn cung.
Ông Valdis Domovskis, Giám đốc thương mại của EU, cho biết châu Âu đã nhất trí hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề nguồn cung bị thắt chặt bởi khủng hoảng Ukraine và mới nhất là động thái từ Ấn Độ. Theo ông, trước đó những biện pháp như lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia cũng "làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn".
Mỹ và EU sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tại Pháp vào thứ hai (16/5) thông qua Hội đồng Công nghệ và Thương mại chung (TTC). TTC được tập hợp lại vào năm 2021 để khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, sau những bất đồng và thuế quan thương mại thời Trump.
Tuy nhiên, công việc của TTC hiện đã vượt ra ngoài trọng tâm dự kiến, chẳng hạn tình trạng thiếu chất bán dẫn, để kết hợp và tìm ra giải pháp cho các vấn đề địa chính trị hiện tại. Margrethe Vestager, Giám đốc Cạnh tranh của châu Âu cho biết bà chưa bao giờ nghĩ rằng TTC sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga. "Mọi thứ rất khác so với những gì chúng ta đã thấy 2, 4, 6 năm trước", bà nói.
Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới. Nước này quyết định cấm tất cả các hoạt động xuất khẩu khi giá lúa mì toàn cầu đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm.
Trước chiến sự, Ukraine và Nga chiếm một phần ba lượng xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu. Kể từ khi khủng hoảng nổ ra hôm 24/2, các cảng của Ukraine đã bị phong tỏa và cơ sở hạ tầng dân sự như hầm chứa ngũ cốc bị phá hủy. Trong khi đó, vụ thu hoạch lúa mì của Ấn Độ phải hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng kém đi.
Mặc dù là nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai trên thế giới, Ấn Độ vẫn tiêu thụ hầu hết lượng lúa mì họ sản xuất. Nước này từng đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn ngũ cốc vào giai đoạn 2022-2023, tìm cách tận dụng sự gián đoạn nguồn cung lúa mì để tìm thị trường mới ở châu Âu, châu Phi và châu Á.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận