Giá lúa gạo tăng: Bình tĩnh để nhận định trước mặt trái
Trong bối cảnh lúa gạo hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Chiều 15/8, điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đảm bảo lúa gạo tiêu dùng trong nước
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lựa chọn chất vấn tại phiên họp vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để Bộ NN&PTNT lắng nghe các vấn đề đã được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.
Đơn cử như việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của Nhân dân, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trao đổi chi tiết, các địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân trực tiếp gửi đến Bộ.
Bộ trưởng Bộ Lê Minh Hoan hiểu rằng: “Các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt lúa gạo”.
“Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữ “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Do đó, từ các thực tiễn này, ngành NN&PTNT vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn,” Bộ trưởng Hoan nói.
ĐBQH Lê Thị Song An (Đoàn Long An) đặt câu hỏi: Thời gian gần đây giá lúa gạo tăng cao, vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao.
Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Toàn cảnh phiên chất vấn.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.
Riêng về Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, có đến khoảng 300 ngày trong năm thực hiện xuống giống, do đặc thù xuống theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó, nên không có mùa vụ rõ rệt như ở miền bắc, mà thực hiện xuống giống liên tục. Do vậy, vấn đề gối vụ, tính toán vụ hè thu, thu đông đối với Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mang giá trị thống kê.
Tới giờ này, Bộ đã cân đối sản lượng thu hoạch theo từng mùa vụ, qua xây dựng hai mươi năm nay, hệ thống thủy lợi ở vùng này đã phát huy tác dụng, chúng ta đã có bản đồ số hóa để cùng các địa phương rải vụ hoặc tập trung vụ nếu cần thiết, với các điều kiện cho phép. Bộ trưởng khẳng định, trong điều kiện hiện nay, nếu không có thiên tai, với tình hình biến đổi khí hậu ổn định như mấy năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu dùng trong nước cũng như sản lượng xuất khẩu.
Nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết
ĐBQH Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết hiệu quả công tác thông tin, dự báo tình hình nông sản và công tác quy hoạch để đảm bảo sản xuất, quy chuẩn xuất khẩu trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt?
Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Minh Tâm đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cho biết trách nhiệm và định hướng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long?
ĐBQH Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang).
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Tạ Minh Tâm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.
Trong hoàn cảnh như vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn rằng, kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định. Những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.
Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế; kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc; chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp.
ĐBQH đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ, vấn đề thực hiện liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta.
“Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyện nông dân bội tín với doanh nghiệp hay câu chuyện doanh nghiệp bỏ cọc hay thương lái bỏ cọc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận