menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Duy Công

Giá lúa gạo lại tăng vọt

Giá lúa trong dân tăng liên tục trong tuần qua, đẩy giá gạo xuất khẩu lên mức cao nhất hai tháng, vượt Thái Lan và Pakistan 13-16%.

Chị Hoa, ở An Giang, cho biết vài ngày gần đây, thương lái liên tục hỏi mua lúa với giá cao ngất ngưởng. Nếu vụ trước chị bán giá 8.000 đồng một kg, nay lên 9.000 đồng với giống Đài Thơm tươi - mức cao chưa từng có. "Với mức giá này, tôi bán 5 tấn thu về 45 triệu đồng", chị nói.

Tương tự, ông Mạnh ở Vĩnh Long cho biết được thương lái tăng giá mua từng ngày nhưng vẫn chưa chốt bán. "Vụ Thu Đông năm nay, sản lượng không quá cao nên giá lúa sẽ còn tăng", ông dự báo.

Giá lúa gạo lại tăng vọt

Nông dân huyện An Phú, An Giang tập kết lúa để thương lái đến thu mua. Ảnh: Ngọc Tài

Không chỉ An Giang, tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Bắc, lúa vụ Thu Đông cũng được thương lái tấp nập thu mua.

Ông Đảng, sở hữu một ha lúa Đài Thơm ở Kon Tum, cho biết giá lúa khô tăng liên tục ba ngày qua. "Lúc đầu, thương lái vào mua 9 triệu đồng một tấn, hôm sau (tức ngày 27/10), họ trả 11 triệu đồng. "Tôi mới bán 2 tấn, nửa còn lại chờ giá tăng thêm", ông cho hay.

Báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy giá lúa tại ruộng và kho tăng mỗi ngày. Trong đó, tại miền Bắc, giá lúa khô tăng lên 14.000 đồng một kg. Còn các tỉnh miền Tây, điển hình ở vựa lúa gạo An Giang, giá lúa làng nhen (khô) lên 15.000 đồng một kg. Lúa Đài Thơm, nàng hoa tươi tăng thêm 100 đồng so với ngày trước, lên 9.000 đồng.

Giá lúa tăng đẩy giá gạo lên cao ngất ngưởng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu tháng 10 đến nay, giá gạo trong nước đã tăng 300-500 đồng một kg so với tháng trước đó. Theo đó, giá xuất khẩu lặp lại đỉnh của cơn sốt giá gạo hồi tháng 8 là 643 USD một tấn cho gạo 5% tấm - mức cao nhất 15 năm qua. Đặc biệt, gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng bất chấp gạo Thái Lan, Pakistan giảm giá mạnh. Theo đó, hiện gạo Việt cao hơn các đối thủ trên lần lượt 13% và 16%.

Giá lúa gạo lại tăng vọt

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, gạo Việt đang "sốt giá" trở lại do nhu cầu trên thị trường thế giới tăng cao. Trong đó, gạo thơm của Việt Nam chất lượng ngày càng vượt trội và được đánh giá cao nên các quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Ngoài ra, vụ Thu Đông của Việt Nam sản lượng thường thấp hơn nhiều so với các vụ khác. Hiện, vụ thu hoạch Thu Đông đã cuối vụ, lượng lúa trong dân giảm dần nên đẩy giá tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - thương lái thu mua lúa ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung, vụ này sản lượng lúa thu hoạch giảm 50% so với vụ trước đó. Đây là vụ thứ 3 trong năm nên người dân chuyển đổi canh tác sang trồng hoa màu như bắp, khoai. Do đó, khi nhu cầu cao mà nguồn cung hạn chế, đẩy giá tăng đột biến.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát - đơn vị thu mua lúa gạo ở khu vực miền Tây - cho biết giá lúa sốt trở lại nhưng sản lượng thu gom giảm 2-3 lần so với trước đó. Đầu tháng, bà thu mua mỗi ngày cả 1.000 tấn, giữa tháng chỉ khoảng 500 tấn và nay là 100-200 tấn. "Giá tăng mỗi ngày, sản lượng thấp nên rất khó thu mua", bà Huyền nói thêm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thừa nhận giá lúa trong dân đang cao kỷ lục. Mức này đang khiến giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Do đó, giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục lội ngược dòng thế giới. Điều này cũng khiến cho hàng Việt gặp bất lợi khi giao dịch xuất khẩu chậm lại. Nhiều doanh nghiệp Việt không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới khi nguồn cung đáp ứng thấp mà giá lại leo thang.

"Nhiều doanh nghiệp dù có đối tác hỏi mua nhưng không ký được hợp đồng vì giá lúa trong nước cao ngất ngưởng. Bình quân với mức giá lúa mà dân đang bán, giá gạo xuất khẩu phải 650-680 USD một tấn doanh nghiệp mới có lời", ông Nam nhận xét.

Dự báo thời gian tới, ông Nam cho rằng giá khó hạ nhiệt ngay khi nguồn cung gạo cho xuất khẩu từ giờ đến cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn cao, đặc biệt từ Indonesia, Philippines, Trung Quốc.

Nguồn tin riêng của VnExpress cũng tiết lộ, trong đợt đấu thầu 500.000 tấn gạo của Indonesia trước đó, doanh nghiệp Việt không trúng thầu vì nguồn cung không đủ đáp ứng. Hiện, Indonesia vẫn cần hơn 1 triệu tấn gạo để dự trữ. Trong khi đó, tại Trung Quốc, ảnh hưởng của lũ lụt, bão đã khiến nhiều vùng trồng lúa, lúa mì của nước này bị ngập nên nhu cầu nhập khẩu lương thực thời gian tới cũng tăng cao.

Tính toán sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở kịch bản cao nhất, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2-4,5 tỷ USD trong năm 2023. 9 tháng Việt Nam xuất khẩu đạt 6,6 triệu tấn, tương đương 3,66 tỷ USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại