Giá lợn tăng cao vì dịch tả, dân chuyển sang “đụng bò” ăn Tết
Thay vì giữ phong tục đụng lợn như mọi năm, nhiều người rủ nhau thêm tiền mua chung bò do giá lợn quá cao.
Mỗi năm một lần, cứ đến dịp Tết, gia đình anh Nguyễn Cao Cường tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên và anh em họ hàng lại tập trung lại để cùng mua chung một con lợn về đụng (chia nhau). Nhưng năm nay thì khác, thay vì đụng lợn, anh Cường cùng họ hàng bàn nhau chuyển sang đụng bò hoặc mua lợn mán từ vùng cao về với giá khoảng 180.000 đồng/kg, mỗi con 20kg.
"Những năm trước cứ đến đầu tháng 12 âm lịch là tôi lại hô hào tầm 5-6 nhà tập trung lại bàn bạc việc đụng lợn xem nên mua lợn như thế nào về chia nhau ăn Tết. Năm vừa rồi, chúng tôi quyết định chung tiền và chỉ định một nhà sẽ chịu trách nhiệm nuôi lợn, thả rông trong vườn để lợn không bị to và mỡ, như vậy thịt mới ngon và nạc. Gần đến ngày hưởng thành quả thì không may đợt vừa rồi cả làng bị dịch tả lợn quét qua khiến lợn chết gần hết, con lợn chúng tôi "nhắm" để thịt cũng nằm trong số đó", anh Cường chia sẻ.
Ngoài lợn thường, nhiều người chọn mua lợn mán để chung nhau những ngày Tết.
Lợn chết nên anh Cường và mọi người đành phải tìm mua con khác thay thế. Tuy nhiên, anh Cường cho biết, giá lợn hơi đang ở mức quá cao. "Với địa phương tôi, nếu mua một con lợn khoảng 100kg thời điểm này giá dao động từ 8,5 đến 9 triệu đồng (85.000 - 90.000 đồng/kg lợn hơi). Giá bán lẻ ngoài chợ cũng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. 5 nhà chung nhau tính ra mỗi nhà cũng đã mất khoảng 2 triệu đồng".
Tình hình này khiến nhóm nhà anh Cường chuyển ý định đụng lợn sang đụng bò để ăn Tết. "Nếu mua một con bò có trọng lượng khoảng 250kg thì sẽ tốn chi phí khoảng 20 triệu đồng. Tuy vậy, giá hơi cũng chỉ dao động từ 80.000-85.000 đồng/kg, rẻ hơn so với thịt lợn mà mọi người lại được đổi món", anh Cường nhẩm tính.
Nhưng để mua một con bò có trọng lượng lớn giá sẽ cao nên anh Cường đã tập hợp 10 nhà cùng chung tiền để giảm chi phí, loại bò được chọn là giống bò vàng của Việt Nam. Loại bò này do dễ nuôi, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp nên giá thành rẻ hơn nhiều loại bò lai với các giống bò ngoại. Tính ra mỗi nhà sẽ được chia gần 20kg thịt bò sau khi đã làm thịt với 2 triệu đồng tiền góp.
Theo anh Cường, thịt bò sẽ được chia đều cho mỗi người. Đơn cử như một cái đùi nếu có 10 nhà chung tiền sẽ được chia làm 10 phần bằng nhau, các phần khác cũng vậy để tránh trường hợp nhà này được chỗ ngon, nhà kia được chỗ không ngon. Riêng những phần không thể chia như đuôi bò, nội tạng,... sẽ được chế biến liên hoan tại chỗ.
Tục đụng lợn xuất phát từ lâu đời, bắt nguồn từ việc đời sống khó khăn nên nhiều người chung tiền mua lợn về thịt để tiết kiệm, tục lệ này tập trung nhiều ở các tỉnh đồng bằng chiêm trũng như Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định,....
Nhiều năm trở lại dây, khi đời sống người dân đã tốt hơn, nhu cầu mua sắm, dự trữ thực phẩm ngày Tết giảm cộng với việc hàng hoá ngày càng phong phú, nhiều loại thức ăn chế biến sẵn được đưa ra thị trường, tục đụng lợn không còn phổ biến. Nhưng người dân nhiều địa phương vẫn duy trì để có thêm không khí tết. Họ quan niệm đây là nét văn hoá làng xã đặc trưng, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, thân ái của người Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận