24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hồng Nhung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá lợn hơi vẫn đang trên đà giảm nhưng sẽ không lao dốc sâu

Giá lợn hơi ngày 26/7 vẫn đang trên đà giảm, nhưng các chuyên gia dự báo, giá lợn sẽ không giảm sâu do lượng lợn cung ứng không nhiều.

Giá lợn hơi vẫn đà giảm đồng loạt...

Giá lợn hơi ngày 26/07/2022, một số tỉnh giảm nhẹ. Tại miền Bắc: Hưng Yên, Hải Dương giảm 1.000 đồng/kg, về mức 70.000 đồng/kg. Mức giá miền Bắc dao động trong khoảng 66.000-70.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại Đăk Lăk, Bình Thuận, Quang Trị thuộc khu vực miền Trung cũng giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg.

Các tỉnh tại miền Nam: Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Hậu Giang,... sụt 1.000-3.000 đồng/kg, mức giá trung bình đạt 67.000 đồng/kg.

Dự báo, mức giá sắp tới có thể giảm, nhưng sẽ không giảm sâu do lượng heo cung ứng không nhiều.

Giá lợn hơi vẫn đang trên đà giảm nhưng sẽ không lao dốc sâu

Giá lợn hơi vẫn đang trên đà giảm nhưng sẽ không lao dốc sâu.

Trước đó, giá lợn hơi đã đồng loạt đảo chiều giảm ở cả ba khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam, trong đó, ghi nhận mức giảm mạnh nhất 5.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay giảm mạnh từ 1.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 66.000 - 71.000 đồng/kg.

Cụ thể, mức giảm mạnh nhất 5.000 đồng/kg được ghi nhận ở ba tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên và Phú Thọ đang giao dịch tại mốc 66.000 đồng/kg. Cùng giảm 3.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Yên Bái có giá 67.000 đồng/kg, Vĩnh Phúc có giá 68.000 đồng/kg, Nam Định và Ninh Bình được thương lái thu mua với mức 69.000 đồng/kg còn tại Thái Bình đang neo ở mức 70.000 đồng/kg.

Ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg, Hưng Yên, Bắc Giang, Tuyên Quang lần lượt ghi giá lợn hơi ở mức 71.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg, 68.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại Hà Nam ghi nhận ở mức 69.000 đồng/kg sau khi giảm 2.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Hà Nội. Đây cũng là địa phương duy nhất không có sự điều chỉnh về giá trong ngày hôm nay.

Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay có chiều hướng điều chỉnh giảm trở lại tại nhiều nơi trong khu vực và dao động trong khoảng 66.000 - 71.000 đồng/kg.

Theo đó, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định và Lâm Đồng điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 68.000 - 70.000 đồng/kg. Ghi nhận mức giảm 2.000 đồng/kg, tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bình Thuận thương lái tại các địa phương này lần lượt thu mua lợn hơi với giá 66.000 đồng/kg, 68.000 đồng/kg và 71.000 đồng/kg.

Sau khi giảm 3.000 đồng/kg, Nghệ An đang giao dịch với giá 69.000 đồng/kg trong hôm nay. Quảng Trị, Khánh Hòa cùng neo giá lợn hơi ở mức 68.000 đồng/kg, đi ngang so với ngày hôm qua. Còn tại Quảng Nam, Đắk Lắk, Ninh Thuận giá lợn hơi lần lượt ở mức 69.000 đồng/kg, 67.000 đồng/kg, 66.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 63.000 - 71.000 đồng/kg. Trong đó, Sóc Trăng và Bến Tre cùng giảm 3.000 đồng/kg, hiện lần lượt thu mua với giá 66.000 đồng/kg và 69.000 đồng/kg. Tương tự, Kiên Giang giảm 2.000 đồng/kg xuống mức thấp nhất khu vực là 63.000 đồng/kg.

Tiếp đà giảm còn có các tỉnh gồm Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu đang giao dịch trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Vũng Tàu hiện là địa phương có mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 71.000 đồng/kg.

Từ nay đến cuối năm, cầu về thịt lợn của người dân sẽ tăng cao, nhất là dịp Tết Nguyên đán nên đà tăng của giá lợn hơi có thể sẽ tiếp diễn đến hết quý III/2022.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, khiến người chăn nuôi hết sức khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ lẻ phải để trống chuồng, hoặc giảm tái đàn. Chưa kể, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi dè dặt sản xuất.

Cục chăn nuôi đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tại một số địa phương chăn nuôi trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương... Qua đánh giá, Cục Chăn nuôi nhận thấy nguồn cung thịt lợn thiếu cục bộ ở một số nơi. Cục này đang đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân trong thời điểm được giá nên vào đàn, tăng quy mô sản xuất, bởi với mức giá từ 65.000-70.000 đồng/kg, người chăn nuôi và các trang trại đã bắt đầu có lãi.

Nhận định của cơ quan chức năng, tuy nguồn cung lợn từ nông hộ và các trang trại suy giảm, nhưng lượng thịt lợn từ các doanh nghiệp hiện vẫn được đảm bảo. Do đó, giá thịt lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ chỉ dao động từ 69.000-75.000 đồng/kg, nhìn chung sẽ dưới 80.000 đồng/kg.

Xử lý nghiêm việc thao túng, nâng giá thịt lợn bất hợp lý

Trước diễn biến giá thịt lợn, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Văn phòng Chính phủ ngày 26/7 tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu hai ngành nông nghiệp và công thương phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá thịt lợn lên cao.

Giá lợn hơi vẫn đang trên đà giảm nhưng sẽ không lao dốc sâu

Phó thủ tướng yêu cầu hai ngành nông nghiệp và công thương phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá thịt lợn lên cao.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới.

Đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Bộ NN&PTNT cũng được giao chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá. Giảm các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán.

Nói về giải pháp ổn định giá thịt lợn, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngay khi giá lợn hơi tăng cao trở lại, Bộ này đã phối hợp với Cục Chăn nuôi, các tỉnh phía Bắc và Ban chỉ đạo 389 kiểm tra, siết chặt vấn đề lợn xuất lậu sang Trung Quốc.

Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến tháng 6, tổng đàn lợn cả nước ước tính tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn (tăng 5,7%). Trong nửa đầu năm nay, dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, so với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch dịch tả lợn châu Phi giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần. Song số lợn nhiễm, chết do dịch vẫn còn mức khá cao.

Theo đó, cả nước xảy ra 753 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con. Hiện nay, cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 9.867 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con.

Theo Cục Chăn nuôi, đối với các dịch bệnh thông thường như dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, niu-cát-xơn, gumboro, dịch tai xanh… hiện nay đã có các loại vaccine để phòng bệnh nên được các địa phương phát kiểm soát tốt và không gây thành dịch lớn.

Ngoài dịch tả lợn châu Phi, trong 6 tháng đầu năm, cả nước còn tiêu hủy là 58.480 con gia cầm do nhiễm dịch cúm gia cầm (1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 và 20 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1), và tiêu huỷ khoảng 400 con trâu, bò do nhiễm viêm da nổi cục.

Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.

Để ổn định nguồn cung, giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng nhận định, tình hình phát triển đàn lợn hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc cần làm là đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả