menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Ngọc Mai

Giá lợn hơi tăng, người nuôi vẫn dè dặt tái đàn

Dù giá lợn hơi tăng trở lại nhưng người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc tăng đàn do e ngại đầu ra thiếu ổn định và giá thức ăn chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao.

Nỗi lo của người chăn nuôi

Theo Vietnamnet, sau thời gian dài chìm sâu dưới đáy, giá lợn hơi dần phục hồi. Tuy nhiên, nhiều trang trại chăn nuôi lợn vẫn “treo chuồng” hoặc giảm đàn vì quá lỗ.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam, giá lợn hơi cao nhất chợ ở mức 55.000-56.000 đồng/kg, loại trung bình ở mức 52.000-53.000 đồng/kg.

Theo ông Lộc, vài ngày trước các doanh nghiệp điều chỉnh giá lợn hơi nên mặt hàng này trên thị trường dần phục hồi. Thậm chí, có thời điểm giá lợn vọt lên mốc 56.000-58.000 đồng/kg - cao nhất tại chợ. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ khá chậm nên mức giá này không duy trì được. Đến nay, giá lợn giảm nhẹ.

“Hiện lượng lợn đổ về chợ chỉ trên dưới 1.000 con mỗi ngày”, ông nói. Trước đó tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam, lượng lợn hơi về chợ khoảng trên 2.000 con/ngày khi thị trường tiêu thụ tốt.

Tại nhiều địa phương, sau khi tụt xuống đáy 47.000-49.000 đồng/kg, giá lợn hơi xuất chuồng dần hồi phục, tăng vượt mốc 50.000 đồng/kg. Cụ thể, ở khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, lợn hơi xuất chuồng đồng loạt tăng lên 52.000-55.000 đồng/kg; khu vực miền Nam giá lợn hơi cũng phổ biến ở mức tương tự, trừ Sóc Trăng thấp nhất là 51.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Quốc Toản, chủ một trang trại lợn ở Khoái Châu (Hưng Yên), cho biết, giá lợn hơi dao động quanh mốc 53.000-54.000 đồng/kg, song bán ở giá này người chăn nuôi vẫn chịu thua lỗ.

“Giá lợn mới chỉ tăng vài ngày gần đây, nay đã chững lại và đang có dấu hiệu quay đầu giảm”, ông nhận xét. Cũng bởi vậy, ông chưa dám vào đàn, khu chuồng trại vẫn tiếp tục bỏ trống.

Trước kia, ông Toản là hộ chăn nuôi có quy mô hơn nghìn con lợn thịt thương phẩm, lợn nái cũng lên tới hơn 100 con. Quy mô đàn lợn này được ông duy trì trong nhiều năm. Ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, các khu chuồng trại vẫn đầy ắp lợn.

Giờ đây, trang trại của ông chỉ còn vài chục con lợn nái, các chuồng nuôi lợn thịt đều bỏ không. “Cuối năm ngoái giá lợn thấp quá tôi phải bán tháo đàn vì sợ lỗ nặng. Lợn nái tốn bao công sức gây nuôi tôi cũng phá đàn, bán bớt một nửa”, ông chia sẻ. Đầu năm nay, gia đình ông tu sửa hệ thống chuồng trại, dự định làm xong sẽ vào lại đàn lợn thịt. Thế nhưng, giá lợn lao dốc và chìm sâu dưới đáy, ông đành treo chuồng đến hiện tại.

Giá lợn hơi tăng, người nuôi vẫn dè dặt tái đàn

Sau thời gian dài chìm sâu dưới đáy, giá lợn hơi dần phục hồi. Tuy nhiên, nhiều trang trại chăn nuôi lợn vẫn “treo chuồng” hoặc giảm đàn vì quá lỗ. Ảnh minh họa từ internet

Các anh em trong gia đình ông Toản đều chăn nuôi lợn. Người nuôi ít vài trăm con, người nuôi nhiều thì hàng nghìn con. Do không chịu được cảnh giá lợn quá thấp nên tất cả đồng loạt treo chuồng.

Ông Hoàng Văn Chung, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại Sơn Dương (Tuyên Quang), than thở, giá lợn hơi nhích lên 52.000 đồng/kg như ngày 21/4, người chăn nuôi vẫn chịu lỗ khoảng 300.000-400.000 đồng/con lợn khi xuất chuồng.

Chăn nuôi lợn chịu rủi ro cao bởi dịch bệnh và giá cả, trong khi chi phí vắc xin, thức ăn chăn nuôi lại không ngừng tăng buộc ông Chung phải giảm đàn. Từ quy mô trang trại 1.000-1.500 lợn thịt và 200 con lợn nái, ông đành giảm đàn xuống 500 lợn thịt và 50 lợn nái.

Mới đây, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - đã gửi tâm thư đến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để bày tỏ những khó khăn của người chăn nuôi lợn.

Theo ông Công, các doanh nghiệp, trang trại trong nước hay nông hộ, ngoài việc gồng mình chịu đựng khó khăn do giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán lợn dưới giá thành, dịch bệnh,... còn phải đối mặt áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp FDI với nguồn vốn dồi dào.

Hơn một năm qua, giá cám quá cao nhưng giá đầu ra lại thấp, dưới giá thành khiến người chăn nuôi kiệt quệ. Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai mong các ngân hàng có thể gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất, có các gói vay ưu đãi riêng khi đầu tư trang trại chăn nuôi… Bởi, trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn có thể phá sản ngay.

Nguy cơ thiếu thịt lợn cuối năm

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá lợn hơi tăng thời gian gần đây là do nhu cầu ăn uống, du lịch nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Tuy nhiên, về lâu dài, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên người dân vẫn có xu hương tiết kiệm chi tiêu. Cùng với đó là lượng công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến các bếp ăn tập thể cũng bị hạn chế nên lượng tiêu thụ thịt lợn dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vốn là nơi tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam thời gian này cũng đang dư thừa nên việc xuất khẩu là không nhiều.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện nay giá lợn hơi đã tăng nhưng vẫn chưa đảm bảo mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi vì các chi phí cho đầu tư trang trại, thức ăn chăn nuôi quá lớn.

Đó là những lý do khiến người chăn nuôi không mặn mà tái đàn. Tình trạng này cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá thịt lợn có thể tăng mạnh từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023.

“Các cơ quan chức năng như Ngành nông nghiệp, ngành Công Thương và chính quyền địa phương cần dự báo sớm tình trạng này để có giải pháp tháo gỡ”, ông Phú nói.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, không có người dân, doanh nghiệp nào biết sản xuất thua lỗ kéo dài mà vẫn làm. Do vậy, chắc chắn người chăn nuôi sẽ không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn là điều tất yếu.

“Nếu người chăn nuôi không tái đàn thì trong vài tháng tới, nguồn cung thịt lợn trong nước chắc chắn sẽ giảm, nguy cơ dẫn đến khủng hoảng thiếu thịt lợn là điều rất dễ xảy ra" , ông nói.

Để ổn định thị trường, chuyên gia kinh tế PGS- TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.

“Về phía người chăn nuôi cần phải đầu tư trang trại quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đồng thời có kết nối các chuỗi chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn”, ông Long khuyến cáo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại