Giá lợn hơi tăng chóng mặt: Có hay không doanh nghiệp đầu cơ nhằm trục lợi?
Ông Vũ Vinh Phú cho biết, theo phản ánh của bà con kinh doanh thịt lợn ở chợ, Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ và Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai thì có hiện tượng giá lợn hơi tăng mạnh trong 1-2 tháng qua. Một phần do một số công ty chăn nuôi lớn găm hàng, đầu cơ tăng giá mang tính chất lợi dụng những khó khăn tạm thời của giá lợn trên thị trường hiện nay.
Bên trong một xưởng giết mổ, chế biến thịt lợn. (Ảnh minh hoạ)
Năm 2019 tiếp tục là một năm ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát lạm phát. Tính bình quân 11 tháng của năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Song nếu chỉ tính riêng tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,96% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng vào tháng 11 trong 9 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.
Như vậy, từ khi Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam đến khi bùng phát trên phạm vi toàn quốc, biểu đồ giá mặt hàng thịt lợn luôn có xu hướng tăng dần. Trong đó, giá thịt lợn tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay với mức tăng khoảng 60-80% so với tháng 9/2019 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại. (Ảnh: Trọng Hiếu).
Chia sẻ với phóng viên bên lề buổi bình chọn 10 sự kiện kinh tế 2019 và Tọa đàm "Kinh tế 2020: triển vọng từ cộng đồng ASEAN” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, trong ít tháng gần đây, lượng sử dụng thịt lợn hơi trên thị trường đã giảm 1/3 so với trước khi có đợt tăng giá mạnh trong vài tháng qua, nhưng giá lợn hơi vẫn tăng mạnh ở các vùng miền trong cả nước.
Ông Vũ Vinh Phú thông tin: "Theo phản ánh của bà con kinh doanh thịt lợn ở chợ, Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ và Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai thì có hiện tượng giá lợn hơi tăng mạnh trong 1-2 tháng qua. Một phần do một số công ty chăn nuôi lớn găm hàng, đầu cơ tăng giá mang tính chất lợi dụng những khó khăn tạm thời của giá lợn trên thị trường hiện nay".
Cụ thể, Công ty CP miền Bắc vào ngày 15/12 tiếp tục điều chỉnh tăng ngày thứ 6 liên tiếp với mức tăng thêm 2.000 đồng/kg thịt hơi, giá bán là 81.000 đồng/kg. Trước đó, ngày 14/12, hàng loạt công ty chăn nuôi lớn như Japfa đã tăng giá 4.000 đồng/kg và giá bán ra là 86.000 đồng/kg, Công ty Emivest tăng 1.000 đồng/kg và giá bán ra là 84.000 đồng/kg, Công ty CJ tăng 1.000 đồng/kg và giá bán ra là 83.500 đồng/kg.
Bên cạnh những nguyên nhân về dịch bệnh hay kiểm soát vận chuyển thịt lợn giữa các vùng miền trong nước, ông Vũ Vinh Phú cho biết, mới đây, một số cơ quan báo chí đã phản ánh việc doanh nghiệp chăn nuôi găm hàng đầu cơ tăng giá.
“Nếu đúng như báo chí phản ánh thì rõ ràng có vấn đề găm hàng, đầu cơ chờ tăng giá một cách vô lý đối với thịt lợn hơi của một số nhà chăn nuôi lớn ở phía Nam. Điều này là hoàn toàn sai với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá thịt lợn và giá cả thị trường, nhất là trong những ngày sắp đến Tết Canh Tý 2020”, ông Phú nói.
Theo ông Vũ Vinh Phú, giá thịt lợn tăng khiến bà con tiểu thương gặp khó khăn, đồng thời làm ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng. Do đó, để làm tốt công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm, ông Phú đề nghị các cơ quan quản lý thị trường, quản lý giá, công an kinh tế… phải vào cuộc sớm để kết luận chính xác những thông được phản ánh trên báo chí, do hiệp hội chăn nuôi, bà con tiểu thương phản ánh.
“Buôn bán ai cũng muốn có lãi, song lãi cao cho mình mà đem lại những thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của xã hội thì không thể chấp nhận. Luật giá đã quy định, trong những trường hợp cần thiết các cơ quan quản lý giá ở các địa phương và Trung ương có thể áp dụng hình thức kê khai giá để kiểm soát thị trường giá cả tránh đầu cơ lợi dụng tăng giá. Thiết nghĩ, đây là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để sớm bình ổn lại thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm”, ông Phú nêu rõ.
TS. Đặng Kim Sơn.
Cùng chia sẻ về chủ đề này, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không chỉ gây thiệt hại hàng triệu con lợn, mà còn khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn, khan hiếm nguồn cung thịt lợn.
Ông Sơn nhận định: “Dù chúng ta đã tuyên bố hết dịch, nhưng hệ quả để lại trong đất còn lâu dài”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận