Giá lợn hơi đang có xu hướng giảm
Ngày 2/6, giá lợn hơi tiếp bước đà giảm ngày hôm qua, đồng loạt quay về mức dưới 100 nghìn đồng/kg tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo đó, tại thị trường Hà Nội, lượng lợn xuất chuồng nhiều hơn trong khi lượng thịt lợn nhập từ các tỉnh lân cận về thấp khiến giá giảm từ 1.000- 4.000 đồng/kg, đưa mức giá thịt lợn hơi của khu vực này khoảng 98.000- 99.000 đồng/kg.
Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng ghi nhận mức giá lợn hơi giảm. Tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình… giá lợn hơi cũng giảm về mốc 96.000-100.000đồng/kg. Nhiều địa phương có mức giá thấp nhất của vùng như Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá giảm này theo các chuyên gia cho rằng, một phần do tâm lý lo sợ dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến người chăn nuôi quyết định bán lượng lợn xuất chuồng để tránh nguy cơ tái phát.
Bên cạnh đó, tại các quốc gia láng giềng, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc nhập con giống để nuôi tái đàn, tăng đàn lợn trước đó chủ yếu được mua từ các chợ hoặc qua thương lái, vận chuyển từ nhiều nơi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn dịch bệnh càng khiến người chăn nuôi lo lắng.
Tâm lý muốn xuất bán sớm của người chăn nuôi xuất phát sau khi Bộ NN&PTNT có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái bùng phát, lây lan diện rộng vào ngày 26/5. Đến nay, dịch đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn.
Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Điều này cho thấy lo ngại về dịch tả lợn Châu Phi tái phát có thể ảnh hưởng đến thị trường giá cả thịt lợn trong thời gian dài.
Vì vậy để khẩn trương kiểm soát tình hình dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung cầu, bình ổn thị trường giá thịt lợn, trong những ngày qua, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố không chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng, xử lý các trường hợp vi phạm...
Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán heo để nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận