Giá lợn hơi có xu hướng về mốc 80.000 đồng/kg
Sau một khoảng thời gian triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, những ngày gần đây, giá lợn hơi trên thị trường trong nước có xu hướng giảm mạnh so với cuối tháng 7 và đang có xu hướng về mốc 80.000 đồng/kg.
Đó là nhờ nguồn cung từ sản phẩm lợn tái đàn bắt đầu được tung ra thị trường cũng như tâm lý người chăn nuôi lo sợ dịch tả lợn châu Phi đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường khiến giá lợn hơi giảm khá mạnh.
Đồng thời, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để giết mổ làm thực phẩm, nguồn cung thịt lợn tăng lên, từng bước bù đắp nhanh phần thiếu hụt của thị trường trong nước. Ngoài ra, nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga cũng tăng mạnh, trên 220% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 7 tháng năm nay, các doanh nghiệp đã nhập hơn 93.000 tấn thịt lợn các loại.
Tại một số địa phương ở miền Bắc như Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc... giá lợn hơi giảm 5.000 - 9.000 đồng/kg so với cuối tháng 7, xuống từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và miền Nam, giá lợn cũng dần hạ nhiệt, giảm còn từ 80.000 - 87.000 đồng/kg.
Chủ một trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Khoái Châu, Hưng Yên, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, giá lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng giảm sâu. So với nửa cuối tháng 7, trang trại của ông vẫn xuất bán lợn hơi với giá 94.000 đồng/kg. Nhưng khoảng 10 ngày lại đây, giá lợn bắt đầu giảm, dao động từ 82.000-84.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Quốc Toản nhận định, giá lợn hơi mới giảm mạnh gần đây do nhiều người chăn nuôi sợ dịch bệnh lây lan nên có tình trạng bán tháo đàn, thậm chí lợn chưa đến lứa xuất chuồng đã vội bán.
Nhờ giá lợn hơi giảm mạnh nên giá thịt lợn trên thị trường những ngày gần đây cũng có xu hướng giảm khá mạnh, trung bình khoảng 20.000 đồng/kg so với thời tháng trước.Theo chủ cửa hàng thịt lợn ở chợ phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, giá thịt lợn loại ngon hiện dao động từ 130.000 – 160.000 đồng/kg. Cụ thể, giá sườn ngon 150.000 đồng/kg, thịt nạc vai 160.000 đồng/kg, thịt lợn mông còn 130.000 đồng/kg, thịt chân giò 140.000 đồng/kg…
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung lợn thịt về cơ bản đã tạm ổn, nhờ vậy giá lợn hơi và thịt lợn gần đây tương đối ổn định và có chiều hướng giảm. Theo Cục Thú y, đến nay đã có 40 lượt công ty đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với hơn 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Hiện đã có 18 công ty nhập khẩu được trên 97.000 con lợn sống vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Giá lợn hơi ở Việt Nam đang giảm mạnh, trong khi đó giá lợn sống bên Thái Lan vẫn trên đà tăng lên. Theo tính toán của một số doanh nghiệp nhập khẩu lợn từ Thái Lan, giá lợn hơi bên Thái Lan đang vào khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg. Tính tổng các chi phí vận chuyển, kiểm dịch, thú y, hao hụt... giá lợn về đến Việt Nam sẽ vào trên 80.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi nhập khẩu và trong nước không còn chênh lệch lớn, doanh nghiêp nhập khẩu sẽ không có lợi nhuận nên họ đang xem xét dừng nhập khẩu lợn sống về giết mổ trong nước, chỉ còn nhập số lượng ít lợn con, lợn nái.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hiện dịch tả lợn châu Phi chỉ còn lại ở một số địa phương nhỏ lẻ. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp rất quyết liệt để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đây là cơ sở quan trọng cho việc tăng đàn, tái đàn. Trong quá trình phòng chống dịch, Bộ đã có những tổng kết và nhân rộng các mô hình về an toàn sinh học. Nhiều mô hình đã được nâng lên thành an ninh sinh học và phổ biến rộng.
Cụ thể, đối với các trang trại quy mô lớn dịch bệnh sẽ rất khó xảy ra vì các đơn vị này thực hiện với quy trình chăn nuôi rất nhiêm ngặt. Những mô hình quy mô gia trại, trang trại nhỏ cũng có những mô hình phù hợp như của Tập đoàn Quế Lâm. Đây là tập đòan đã thực hiện kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống chăn nuôi khép kín theo mô hình 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer).
Theo báo cáo từ các địa phương đến cuối tháng 6/2020 đạt 24,9 triệu con lợn; trong đó có hơn 2,8 triệu con nái… 16 doanh nghiệp lớn có tốc độ tăng đàn đạt trên 66%, nhưng do tái đàn ở khu vực nông hộ còn chậm nên trung bình cả nước đạt khoảng 5%. Đến nay, tổng đàn lợn ằng 85% so với cuối năm 2018.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc tái đàn lợn tuy có kết quả tốt nhưng cũng cần có thời gian. Dự kiến cuối năm nay “cung – cầu” về thịt lợn có thể cân bằng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay cả nước có 181 xã thuộc 65 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đầu tháng 7 đến nay, cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy trên 5.900 con lợn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận