24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá lao động Việt Nam không còn rẻ

Giá lao động Việt Nam đang tăng lên, theo giá hiện hành năm 2018, ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 đô la Mỹ/lao động.

Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, hôm 7.8, khẳng định: Tăng năng suất lao động, yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, vấn đề sống còn đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển.

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Thủ tướng chỉ rõ: Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 đô la Mỹ/lao động.

Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động của Việt Nam tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng, với mức tăng bình quân 4,8%/năm trong giai đoạn 2011-2018, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Năm năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần. Nhưng đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần và 2,2 lần.

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, theo ông Lâm, vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, với điểm đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 đô la Mỹ, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines.

Chênh lệch mức năng suất lao động, tính theo PPP 2011, của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.566 đô la Mỹ năm 2011 lên 141.276 đô la Mỹ năm 2018; tương tự, của Malaysia từ 42.397 đô la Mỹ lên 47.545 đô la Mỹ; Thái Lan từ 14.985 đô la Mỹ lên 18.973 đô la Mỹ. Đặc biệt, giá lao động khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang ở mức thấp. Tính đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% năng suất lao động của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% năng suất của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ.

Bên cạnh đó, tình hình ngành công nghiệp và dịch vụ cũng chưa như kỳ vọng là những ngành kinh tế chủ chốt, động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế. Năm 2018, năng suất lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng theo giá hiện hành đạt 131 triệu đồng/lao động, gấp 1,3 lần năng suất lao động chung, tăng 47,4 triệu đồng/lao động so với năm 2011.

Khu vực dịch vụ có mức năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 118,1 triệu đồng/lao động, gấp 1,2 lần năng suất lao động chung. Năng suất lao động khu vực dịch vụ năm 2018 tăng thấp nhất kể từ năm 2013 trở về đây với 1,47% so với năm trước, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 3,1%/năm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, như quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động còn chậm, tăng năng suất nội ngành chưa đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế…

Ông Lâm dẫn chứng, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy đã giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 37,7% năm 2018 (trung bình mỗi năm giảm 1,5 điểm phần trăm) nhưng vẫn lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Đến năm 2018, nước ta vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi năng suất lao động khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% năng suất lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% năng suất lao động khu vực dịch vụ.

Thực trạng về năng suất lao động cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày một gay gắt hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả