Giá kim loại quý phân hóa, giá sắt giảm do hạn chế sản lượng thép tại Trung Quốc
Kim loại màu Kim loại đenKhép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/7, sắc đỏ có phần áp đảo hơn trên bảng giá thị trường kim loại.
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp sau khi tăng 0,84%, lên mức 972,2 USD/ounce, trong khi giá vàng và bạc duy trì đà giảm.
Cụ thể, giá bạc giảm 0,43% chốt phiên tại 24,85 USD/ounce, giá vàng giảm 0,48% xuống 1.960,23 USD/ounce.
Trong phiên cuối tuần qua, đồng USD mạnh lên với chỉ số Dollar Index tăng 0,19% lên 101,07 điểm, mức cao nhất trong hơn một tuần, do đồng Yên Nhật suy yếu sau khi Reuters đưa tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang nghiêng về việc duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa trong tuần tới.
Đồng USD mạnh lên khiến chi phí nắm giữ kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn. Dòng tiền vì thế cũng rút bớt khỏi thị trường kim loại quý và khiến giá bạc chịu sức ép. Tuy nhiên giá bạch kim vẫn tăng do nhận được lực mua kĩ thuật ở mức hỗ trợ 959 USD.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,43% xuống 3,81 USD/pound. Giá đồng trải qua phiên biến động khá mạnh, khi giá tăng mạnh vào phiên sáng, do lo ngại nguồn cung gián đoạn tại Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, khi tình trạng biểu tình diễn biến xấu.
Các quan chức giao thông vận tải tại Peru cho biết những người biểu tình đã chặn ít nhất 8 đường cao tốc, hầu hết ở khu vực phía nam Arequipa và Cusco, nơi có tuyến đường vận chuyển đồng quan trọng từ các mỏ trọng điểm của Peru.
Tuy nhiên, giá đồng nhanh chóng đảo chiều giảm từ phiên chiều khi đồng USD phục hồi khiến chi phí mua đồng trở nên đắt đỏ hơn. Hơn nữa, những dự báo nguồn cung đồng có thể tăng trong dài hạn cũng làm hạn chế lực mua.
Tập đoàn Glencore, nhà khai thác đồng lớn thứ tư thế giới, đã giữ nguyên kỳ vọng sản lượng đồng của họ có thể đạt 1,04 triệu tấn vào năm 2023, bất chấp việc sản lượng sụt giam 10% xuống 488.000 tấn trong nửa đầu năm.
Quặng sắt gặp áp lực trở lại, chốt phiên ở mức giá 113,66 USD/tấn sau khi giảm 0,94%, do chịu sức ép bởi chính sách hạn chế sản lượng thép tại Trung Quốc.
Theo báo cáo của Mysteel, hầu hết các nhà máy tại thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép chính của Trung Quốc, đã thực hiện các hạn chế sản xuất vào thứ Sáu.
Điều này dẫn đến tỷ lệ hoạt động của 35 nhà máy được khảo sát đã giảm xuống còn 12,77%, từ mức 46,81% đạt được vào thứ Tư ngày 19/7.
Trong báo cáo mới nhất của Mysteel, 7 lò cao ở thành phố Đường Sơn, với tổng công suất sản xuất là 26.000 tấn mỗi ngày, dự kiến sẽ tiếp tục phải bảo trì từ ngày 21 – 31/7. Hơn nữa, Mysteel cho biết một số nhà máy thép ở thành phố Đường Sơn có thể sẽ phải tạm dừng các lò cao cho đến cuối tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận