Giá kim cương tăng vọt trên toàn cầu
Công ty Alrosa của Nga, nơi chiếm 1/3 sản lượng kim cương toàn cầu bị Mỹ trừng phạt do chiến sự ở Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung kim cương và giá cả cũng tăng vọt. Cùng với giá cả tăng, nguồn gốc của những viên kim cương trong thời gian tới cũng được cho là khó xác định, do tình trạng giả mạo, theo Bloomberg.
Theo một báo cáo của Bloomberg, giá của những viên kim cương thô nhỏ để làm nhẫn đã tăng gần 20% kể từ đầu tháng 3. Sự gia tăng này là kết quả các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty khai thác mỏ Alrosa của Nga, nơi chiếm một phần ba sản lượng kim cương trên toàn cầu. Với việc Alrosa không tham gia cuộc chơi, những người thợ cắt kim cương, thợ đánh bóng và giới kinh doanh đều đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp đá quý.
Trước đây, De Beers, một công ty lớn khác trên thị trường kim cương, có thể tham gia vào nguồn cung nhờ sản lượng dự trữ của mình. Trong hai thập kỷ trước, két sắt của công ty ở London được báo cáo lưu trữ 5 tỷ USD kim cương. Tuy nhiên giờ đây công ty chỉ làm trên những mặt hàng có sẵn.
“Rất khó để thấy chúng tôi đưa vào sản xuất bất cứ sản phẩm mới nào”, Giám đốc điều hành của De Beers, Bruce Cleaver chia sẻ với Bloomberg. “30% nguồn cung bị loại bỏ là một việc khó chống đỡ được”.
Nguồn cung của De Beers có thể sẽ không tăng nhiều cho đến năm 2024, khi việc mở rộng tại mỏ hàng đầu ở Nam Phi của công ty được hoàn thành. Thậm chí sau đó, công ty không sản xuất những viên kim cương nhỏ giống kiểu của Alrosa.
Một số công ty, chẳng hạn như Tiffany & Co. và Signet Jewelers, cho biết họ sẽ ngừng mua kim cương mới được khai thác ở Nga, nhưng những nơi khác thì không thực hiện bước đi tương tự. Bloomberg lưu ý rằng một số người trong ngành kim cương Ấn Độ vẫn quan tâm đến việc mua hàng từ Nga.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng kim cương của Nga sẽ bắt đầu bị mạo nhận nguồn gốc ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thực tế thì kim cương được kết hợp trong suốt cả quá trình cắt, làm bóng, sản xuất và thiết kế các loại trang sức, vì vậy sẽ rất khó để đảm bảo xác định viên kim cương nào đến từ đâu.
De Beers đang cố gắng để tìm ra cách đảm bảo những viên kim cương của công ty không rơi vào mớ hỗn độn đó. Còn về phía Alrosa, công ty này vẫn chưa thể trở lại việc kinh doanh như bình thường.
Hầu hết kim cương của Nga đều có nguồn gốc từ Alrosa, chiếm 99% tổng số kim cương thô được sản xuất tại Liên bang Nga. 1/3 cổ phần của Alrosa thuộc sở hữu trực tiếp của Nhà nước Nga và 1/3 khác thuộc sở hữu của các chính quyền khu vực, trong đó có nước Cộng hòa Yakutia thuộc Nga.
Ban lãnh đạo Alrosa cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Ông Sergei Ivanov, Giám đốc điều hành công ty, cũng là một trong các cá nhân nằm trong "tầm ngắm" của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận