Giá khí đốt tại châu Âu đảo chiều, giảm hơn 1%
Giá khí đốt tại Anh ngày 14/7 là 260 xu Anh/therm (3,1 USD/therm), giảm gần 4% so với ngày 13/7.
Theo Trading Economics, giá khí đốt tại Anh ngày 14/7 là 260 xu Anh/therm (3,1 USD/therm), giảm gần 4% so với ngày 13/7, đảo chiều so với diễn biến những ngày trước đó.
Giá khí đốt tại châu Âu ngày 14/7 cũng giảm hơn 1% xuống còn 178 euro/mwh (178 USD/mwh), ngược với những diễn biến trước đó.
Từ ngày 11/7 đến ngày 13/7, cả khí đốt tại châu Âu và Anh tăng lần lượt 7% và 13% vì đường dẫn khí Nord Stream 1 bắt đầu giai đoạn bảo trì 10 ngày. Bên cạnh đó, sự cố tại mỏ Sleipner của Na Uy, quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn thứ ba thế giới, đe dọa thêm nguồn cung khí đốt vốn đã bị thắt chặt. Đến hôm nay ngày 14/7, giá khí đốt tại châu Âu và Anh quay đầu giảm.
Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) vừa kêu gọi các quốc gia thành viên giảm tiêu thụ khí đốt bằng cách khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng ít mặt hàng này hơn. Động thái của EU nằm trong nỗ lực chuẩn bị ứng phó với nguy cơ cắt giảm nguồn cung từ Moscow. Chi tiết kế hoạch này của EU sẽ được công bố vào ngày 20/7 tới.
Lượng khí đốt trong kho dự trữ của EU hiện ở mức 62% trong khi mục tiêu của khối là lấp đầy 80% công suất vào tháng 11 năm nay.
Trong một diễn biến mới, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga, nhưng sẽ không hạn chế nhập khẩu khí đốt vì nhiều quốc gia thành viên không thể thích ứng kịp. Theo Reuters, gói trừng phạt mới sẽ bao gồm cấm nhập khẩu vàng từ Nga, liệt kê thêm danh sách hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga và trừng phạt nhiều cá nhân hơn. Ủy ban châu Âu sẽ công bố gói trừng phạt này trong những ngày tới.
Giá khí đốt tại Mỹ ngày 14/7 cũng giảm hơn 1% xuống còn 6,6 USD/MMBtu. Trong khi đó, giá than tương lai tại Newcastle (Australia) là 432 USD/tấn, tăng hơn 1% so với ngày 13/7 và chỉ thấp hơn kỷ lục ghi nhận ngày 7/3 là 3 USD/tấn.
Nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng cường mua than để đảm bảo cung cấp đủ điện trong mùa đông tới, bất chấp cam kết trước đó của nhiều quốc gia là giảm tiêu thụ mặt hàng này để chống biến đổi khí hậu. Tình hình tăng mua than của các nước diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung và giá khí đốt tăng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận