Giá khí đốt ở châu Âu có thể giảm 30%
Goldman Sachs dự báo giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu giảm 30% trong những tháng tới nhờ nguồn cung dồi dào hơn.
Theo Goldman Sachs, giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu trên sàn giao dịch Hà Lan (TTF) sẽ giảm về 85 euro mỗi Mwh trong quý I/2023. Hiện giá khí đốt trong hợp đồng tương lai dao động quanh 120 euro mỗi Mwh. Triển vọng này đánh dấu sự thay đổi đáng kể với giá khí đốt tại châu Âu, sau khi chạm mốc kỷ lục trên 340 euro mỗi Mwh hồi tháng 8.
Giá khí đốt gần đây hạ nhiệt nhờ một số yếu tố: kho khí đốt của Châu Âu về cơ bản đã đầy cho mùa đông năm nay; nhiệt độ mùa thu này ấm áp hơn dự kiến, giúp trì hoãn được việc sử dụng khí đốt để sưởi ấm. Cùng với đó là tình trạng dư cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Các báo cáo gần đây cho biết khoảng 60 tàu chở LNG đang chờ cập bến châu Âu. Một số lô trong nhóm này đã được mua từ trong mùa hè. Dữ liệu mới nhất được tổng hợp bởi Gas Infrastructure Europe cho biết các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy 94%.
Dù lạc quan về giá khí đốt giảm trong thời gian tới, giúp xoa dịu phần nào cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, các lãnh đạo châu Âu vẫn chịu nhiều sức ép để đảm bảo nguồn cung trong trung hạn.
Goldman Sachs dự báo sau khi giảm xuống quanh mức 85 euro mỗi Mwh trong quý đầu năm sau, giá khí đốt vẫn sẽ tăng mạnh trở lại vào mùa hè, sau khi kho dự trữ của châu Âu vơi đi và cần bổ sung mới cho mùa đông năm sau. Do đó, dự báo vào tháng 7/2023, giá khí đốt sẽ lên gần 250 euro mỗi Mwh.
Ồng Fatih Birol - CEO Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lưu ý rằng chỉ một lượng rất nhỏ LNG mới sẽ được tung ra thị trường vào năm tới. "Nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại, nhập khẩu LNG của Trung Quốc năm tới cũng có thể tăng cùng châu Âu", ông đánh giá.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Quốc là nước nhập khẩu LNG đứng đầu thế giới năm 2021. Do chính sách chống dịch nghiêm ngặt, kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc gần đây. Tuy nhiên, bất kỳ điều chỉnh nào về cách ứng phó với Covid-19 trong tương lai cũng có thể làm tăng nhu cầu của nước này với LNG, đẩy mức giá mà châu Âu có thể mua lên cao.
Ngoài ra, việc dự trữ khí đốt năm nay vốn vẫn còn thuận lợi nhờ còn nguồn cung cấp từ Nga. Tháng trước, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cũng thừa nhận kho chứa của nước này đầy khí đốt của Nga. Nhưng nguồn cung của Nga kể từ đó đã gián đoạn nghiêm trọng. Châu Âu hiện còn đặt mục tiêu hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga.
"Chắc chắn chúng ta đang ở trạng thái tốt hơn nhiều so với cách đây vài tháng, nhưng nên nhìn trước rằng sẽ có nhiều biến động trong tương lai", Miguel Stilwell d’Andrade, Giám đốc điều hành công ty năng lượng EDP (Bồ Đào Nha), bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận