Giá khí đốt liên tục tăng cao, châu Âu đang phải hứng chịu 'đòn giáng kép'
Tình trạng gián đoạn tại cảng Freeport LNG, hiện đang trong quá trình sửa chữa sau vụ nổ vào tuần trước, có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Nguồn cung khí đốt của châu Âu hứng một "đòn giáng kép" khi một cảng xuất khẩu khí tự nhiên của Mỹ tuyên bố phải tạm ngừng hoạt động trong ít nhất 3 tháng và Nga nói sẽ giảm mạnh lượng khí đốt đi qua một đường ống chủ chốt dẫn tới Đức.
"Đòn giáng kép" vào châu Âu
Freeport LNG, cảng chiếm 1/5 tổng lượng xuất khẩu khí hoá lỏng của Mỹ và 10% nhập khẩu LNG của châu Âu trong năm nay, nói rằng gián đoạn hoạt động để sửa chữa sau một vụ nổ tại nhà máy vào tuần trước có thể kéo dài đến cuối năm. Một phần hoạt động của cảng chỉ có thể nối lại sau 90 ngày.
Tuần trước, Freeport dự kiến cảng có thể hoạt động trở lại vào đầu tháng 7, nhưng tình hình cuối cùng đã thay đổi.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt. Ảnh: Nhịp sống kinh tế. |
Về phần mình, Nga nói sẽ giảm 40% công suất cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 dẫn tới Đức. Lý do mà Moscow đưa ra là một phần của thiết bị kỹ thuật chủ chốt của đường ống này đang bị Siemens Energy trì hoãn đưa trở lại. Trong khi đó, phía Siemens nói sự trì hoãn là do các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga.
Hai mối đe doạ trên đối với nhập khẩu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) phản ánh vị thế dễ tổn thương của khu vực này trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào, trong bối cảnh EU ra sức giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.
Xuất khẩu khí đốt rất quan trọng với nền kinh tế Nga, nhưng việc giảm nguồn cung không làm tổn thương Moscow, mà giúp thu về nhiều tiền hơn từ giá năng lượng tăng
Theo Trading Economics, giá khí đốt tại châu Âu ngày 17/6 là 126 euro/mwh (132 USD/mwh), tăng 3,7% so với ngày trước đó. Giá khí đốt tại Anh là 234 xu Anh/therm (2,9 USD/therm). Giới giao dịch cũng cảnh báo về sự thắt chặt nguồn cung khí đốt trong những tháng sắp tới.
Giá khí đốt tại Mỹ cũng tăng 0,6% lên 7,5 USD/MMBtu trong ngày 17/6.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh trong vòng 1 năm trở lại đây, khi Nga siết nguồn cung khí đốt trước khi xảy ra chiến tranh và nỗi lo gián đoạn nguồn cung tăng cao. Gần đây, Nga đã cắt cung cấp khí đốt đối với một số nước châu Âu vì các nước này không đáp ứng yêu cầu trả tiền mua khí đốt bằng Rúp mà Moscow đưa ra. Giá khí đốt leo thang đẩy cao lạm phát và dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia trong khu vực.
Có thể cấm than đá và dầu Nga, nhưng khí đốt là một câu chuyện khác
Tình hình hiện tại không quá khó khăn với châu Âu, bởi nhu cầu sưởi ấm đã giảm trong mùa hè. Giới chức ở cả 4 quốc gia bị Nga cắt khí đốt đều khẳng định đây không phải là mối đe dọa ngay lập tức.
Nhưng tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, dường như khó có thể chấm dứt nhanh chóng. Liên minh châu Âu (EU) chỉ mất vài tuần để nhất trí về lệnh cấm than đá và dầu Nga, nhưng khí đốt là câu chuyện khác.
EU đã cố tránh đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm trực tiếp vào dòng chảy khí đốt từ Nga, quốc gia trước đó đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt của toàn bộ châu Âu, cho dù đã và đang nỗ lực để giảm phụ thuộc vào nguồn cung này.
Tuy nhiên, Siemens Energy ngày 14/6 nói rằng những turbine khí đốt mà công ty Đức này cung cấp cho tập đoàn Gazprom của Nga để nén khí trên đường ống Nord Stream 1 đã bị lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga gây cản trở vận chuyển sau khi được bảo trì xong tại một nhà máy của Siemens ở Montreal. Tuần trước, Canada mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, theo đó cấm cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các ngành công nghiệp dầu khí và hoá chất của Nga.
"Do lệnh trừng phạt mà Canada áp đặt, hiện Siemens Energy không thể giao lại những turbine khí đốt đã được bảo trì cho khách hàng. Chúng tôi đã thông báo cho chính phủ Canada và Đức và đang tìm giải pháp cho vấn đề", Siemens Energy nói trong một tuyên bố.
Công nhân vận hành hệ thống đường ống dẫn khí. Ảnh: Nhịp sống kinh tế. |
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và khách hàng mua khí đốt quan trọng nhất của Nga ở châu Âu, 50% hộ gia đình sưởi ấm bằng khí đốt và phần lớn ngành công nghiệp sử dụng khí đốt. Liên đoàn Công nghiệp Đức nói các công ty đang chuyển sang sử dụng than đá, dự trữ khí đốt cho mùa đông, nhưng quá trình này cần thời gian.
Chính phủ Đức đang từng bước loại bỏ than đá Nga vào cuối mùa hè và dầu vào cuối năm nay. Thị phần dầu nhập khẩu từ Nga đã giảm xuống 20% và nhập khẩu than giảm một nửa. Nhưng khí đốt, nguồn năng lượng mà Đức xem như công cụ để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045, tỏ ra khó loại bỏ hơn nhiều.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói đoạn tuyệt với năng lượng Nga cần ít nhất hai năm. Nhưng tuần này, ông kêu gọi Đức đẩy nhanh quá trình bằng cách tiết kiệm năng lượng.
Đây là mối lo ngại chung của nhiều quốc gia khác ở châu Âu, khi họ phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga vận chuyển qua Đức. Italy, Áo và Cộng hòa Czech đều báo cáo tình trạng nguồn cung bị cắt giảm gần đây.
Dù gặp khó khăn, nhưng các nước châu Âu vẫn mong muốn được hỗ trợ từ Mỹ và Nga. Theo một thoả thuận được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố hồi tháng 3, Mỹ cam kết cung cấp thêm 15 tỷ mét khối LNG cho châu Âu trong năm nay. EU nói rằng mục tiêu của khối là đến cuối thập kỷ này tăng nhu cầu đối với khí hoá lỏng Mỹ thêm 50 tỷ mét khối mỗi năm.
Nga hiện vẫn duy trì ưu tiên xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, dù đã cắt cung cấp khí đốt cho 5 nước trong khu vực gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Các nhà cung cấp khí đốt tại Đức và nhiều nước châu Âu khác đã chấp nhận yêu cầu thanh toán bằng ruble mà Nga đưa ra vì lo sợ ảnh hưởng của sự gián đoạn nguồn cung khí đốt đối với nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận