'Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu cần tuân thủ quy luật thị trường'
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết khám chữa bệnh theo yêu cầu là động lực để bệnh viện phát triển nên không thể quy định giá trần mà phải theo quy luật thị trường.
Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Dự thảo mới nhất nêu hai phương án về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện công tự chủ về tài chính. Phương án một là bệnh viện tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phương án hai là bệnh viện tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư.
PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng giá viện phí cần phân ra hai luồng. Luồn được bảo hiểm chi trả, quy định cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị. Giá này cần có lộ trình tính đúng, tính đủ và tiến tới xóa bỏ khái niệm "đồng chi trả". Đây là vấn đề quan trọng mà dự luật cần nêu rõ để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi đối tượng. Vấn đề đặt ra là cần đảm bảo cân đối quỹ tương ứng với tính đúng, tính đủ trong khám, chữa bệnh. Vì vậy, Luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.
Luồng thứ hai là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Ông Hiếu cho rằng đây là động lực để các bệnh viện và ngành y tế thay đổi, phát triển nên không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật thị trường. Để đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y tế cần có quy định về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám, phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói, nếu giải quyết được giá khám bệnh theo yêu cầu thì vận hành bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. "Đây chính là lối đi của tự chủ, làm tốt, thu được tốt thì đủ tiền nuôi quân, đầu tư, phát triển thương hiệu", bác sĩ Hiếu nói.
Ông cũng đề nghị xây dựng chính sách giúp bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe người dân, trong tình huống cấp cứu. "Tự chủ nhưng bệnh nhân vào cấp cứu thì bắt buộc phải khám, chữa bệnh chứ không phải giá theo yêu cầu", ông nhấn mạnh.
Bác sĩ Dương Tấn Quân (Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ủng hộ phương án không quy định mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu hoặc giá dịch vụ hình thành từ hoạt động hợp tác công tư. Như vậy sẽ tạo cơ chế mở cho các bệnh viện tự chủ có thể tồn tại và phát triển. "Giá dịch vụ theo yêu cầu nên để các bệnh viện tự quyết định, dưới sự kiểm soát của Nhà nước", ông Quân góp ý.
Bà Trần Khánh Thu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình) nói giá dịch vụ khám chữa bệnh có vai trò lớn trong tự chủ tài chính của bệnh viện cũng như đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu của người bệnh với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, chất lượng như mong muốn.
Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định và thanh toán thêm phần chênh lệch. Bệnh viện thỏa thuận, thống nhất với người bệnh trước khi thực hiện dịch vụ theo yêu cầu, đảm bảo công khai, minh bạch.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Thường trực Hội đồng Dân tộc) lại có quan điểm ngược lại. Ông ủng hộ Bộ Y tế quy định giá khám chữa bệnh tối đa, bao gồm khám chữa bệnh theo yêu cầu. Nguyên nhân là trong khám chữa bệnh, người bệnh không thể thương lượng như các dịch vụ khác nên Nhà nước cần có cơ chế quản lý thông qua xác định yếu tố hình thành, nguyên tắc tính giá.
Việt Nam còn hơn 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có nhiều người thu nhập trung bình thấp. Những người này sẽ đến cơ sở khám chữa bệnh công lập là chủ yếu. Nếu không kiểm soát giá với các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài phạm vi bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế công lập thì mức chi phí y tế sẽ vượt quá khả năng của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, không thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
"Không kiểm soát giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công sẽ dẫn đến tình trạng bệnh viện công được quyết định giá như bệnh viện tư. Điều này là bất hợp lý vì cơ sở vật chất của các bệnh viện công do Nhà nước đầu tư để phục vụ nhân dân", ông Đức nói, nhấn mạnh rằng khi quản lý giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công sẽ đảm bảo quyền chăm sóc y tế của người dân, để người yếu thế không bị nghèo hóa vì chi phí y tế.
Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 9/1.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận