Giá heo hơi vẫn tiếp tục tăng, cao nhất 61.000 đồng/kg, thịt lợn bán lẻ ở chợ thế nào?
Giá heo (lợn) hơi tiếp tục tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một số địa phương. Giá heo hơi cao nhất vẫn giữ ở mức 61.000 đồng/kg tại khu vực miền Bắc.
Giá heo hơi hôm nay: Cao nhất tại Hưng Yên với 61.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay có phiên tăng giá lần thứ hai trong tuần, mức tăng ghi nhận từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi nhích thêm 1.000 đồng/kg so với phiên liền kề trước đó. Giá cao nhất ghi nhận tại Hưng Yên với mức 61.000 đồng/kg.
Tại Bắc Giang, giá heo hơi điều chỉnh thêm 1.000 đồng/kg lên mức 59.000 đồng/kg. Các địa phương khác như Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên, Ninh Bình... đều giao dịch quanh giá 57.000 - 58.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc hôm nay dao động trong khoảng 57.000 - 61.000 đồng/kg.
Tương tự, tại miền Trung - Tây Nguyên hôm nay, giá lợn hơi cũng tăng thêm 1.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Bình Định sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại đây giao dịch lên mức 52.000 đồng/kg, ngang bằng với tỉnh Thừa Thiên Huế. Mức giá thu mua trung bình được ghi nhận tại các tỉnh thành còn lại là 54.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 52.000 - 57.000 đồng/kg.
Tại thị trường miền Nam, giá heo hơi tăng cao nhất 2.000 đồng/kg tại Bắc Liêu, Vũng Tàu lên lần lượt 57.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg. Tại Hậu Giang nhích nhẹ thêm 1.000 đồng lên 56.000 đồng/kg.
Theo khảo sát, tuy giá heo hơi tăng lên, nhưng giá thịt bán lẻ tại chợ vẫn giữ ở mức 120.000 đồng/kg thịt nạc vai, các loại thịt còn lại có giá 100.000 - 110.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, trung bình một ngày chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ khoảng 6.000 - 7.000 con lợn. Tuy nhiên, sau Covid-19, sức mua giảm hẳn, chợ Tân Xuân được mở cửa hoạt động bình thường nhưng lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày chỉ ở 3.500 - 5.000 con.
Trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nông sản chính như: ngô, lúa mì, đậu tương đều đồng loạt trải qua mức sụt giảm mạnh trong vài tuần vừa qua. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), mùa vụ các nước sản xuất chính đang dần ổn định hơn là dấu hiệu cho thấy những lo ngại về nguồn cung thiếu hụt vài tháng trước đã dần bị xoá bỏ. Giá nông sản thế giới mặc dù đang ở mức cao hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái nhưng dấu hiệu hạ nhiệt và đảo chiều cũng sẽ là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp chăn nuôi trong giai đoạn tới.
Hội thảo khởi động mô hình thí điểm về chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch tả heo châu Phi (DTHCP) diễn ra tại Bộ NN&PTNT với sự tham gia của Cục Chăn nuôi, Vụ Hợp tác quốc tế và IFC (Tập đoàn Tài chính Quốc tế, thành viên Ngân hàng Thế giới – World Bank).
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đơn vị đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế cho việc xây dựng, phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là DTHCP, báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin.
“Qua hội thảo này, chúng tôi muốn chia sẻ thông tin về chương trình phát triển chăn nuôi an toàn sinh học phòng DTHCP với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp và người chăn nuôi. Từ đó, tìm ra một số giải pháp, kế hoạch triển khai tối ưu giúp ngành chăn nuôi hạn chế được DTHCP, phát triển bền vững và hiệu quả trong thời gian tới”, ông Dương Tất Thắng chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận