Giá heo hơi tăng giảm khó lường, người nuôi e ngại tái đàn
Sau thời gian duy trì ở mức khoảng 55.000 đồng/kg, giá heo hơi ở Kiên Giang đã có phần “nhích” dần, hiện tại khoảng 60.000 đồng/kg.
Không kịp trở “giá”
Sau thời gian duy trì ở mức khoảng 55.000 đồng/kg, giá heo hơi ở Kiên Giang đã có phần “nhích” dần, hiện tại khoảng 60.000 đồng/kg. Thế nhưng trước đó, giá heo đã từng lên đến trên 70.000 đồng/kg khiến bà con vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, chưa kịp vui hay gầy đàn giống mới thì giá heo lại liên tục tăng giảm khó lường khiến người nuôi vô cùng lo ngại.
Chị Trần Thị Sang, người nuôi heo ngụ ở huyện Hòn Đất cho biết, gia đình chị hiện nuôi 20 con heo thịt, sau thời gian giá quá thấp, chị vẫn neo lại không bán để chờ giá. “Khi thấy giá vừa tăng, tôi đã bán luôn vì sợ nó lại sụt nhưng không ngờ giá lại tiếp tục tăng. Cũng thấy tiếc nhưng chưa kịp gầy đàn thì giá đã xuống thấp trở lại, người nuôi thật sự cũng hoang mang không biết nên gầy đàn mới hay không”, chị Sang chia sẻ.
Chị Sang cũng cho biết thêm, trước kia có thời điểm giá heo xuống rất thấp khiến gia đình chị lỗ nặng, không tìm được lái mua và có lái vào xem cũng trả rất ép giá. Thế nhưng heo đã quá tháng, quá cân nên chị đành bán lỗ để mong lấy vốn.
Còn hộ ông Lê Văn Công ở xã Phi Thông, TP Rạch Giá nuôi 30 con heo cho biết, hầu như các hộ ở đây nuôi heo khá nhiều nhưng kì này chắc lỗ. Chi phí thức ăn quá cao, xăng tăng, dầu tăng nên đi mua cái gì cũng nói tăng theo giá xăng dầu. “Gia đình tôi tận dụng việc đi đổ cơm canh thừa ở những nhà thân quen để mong giảm bớt chi phí thức ăn, thế nhưng cũng không thấm vào đâu. Với đà này, chắc không gầy đàn mới vì vốn của đàn cũ vẫn còn chưa gỡ được, rồi cũng lo dịch bệnh heo”, ông Công ngao ngán.
Người nuôi lo lắng
Theo Cục Chăn nuôi, giá heo hơi tại các vùng trên cả nước tăng khoảng 15-22% so với thời điểm cuối năm 2021. Giá heo hơi tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại vì các hoạt động du lịch, lễ hội, nhà hàng, quán ăn, trường học, nhà máy đã mở cửa trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Khi giá heo khởi sắc, nhiều hộ chăn nuôi, trang trại trên địa bàn Kiên Giang phục hồi trở lại sau thời gian lao đao vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng thêm thời điểm dịch tả heo châu Phi tái bùng phát khiến không ít hộ gặp khó.
Trước nhiều cái khó các hộ nuôi heo đã chuyển sang nuôi gà, vịt hoặc tạm dừng một thời gian chờ xem diễn biến. Vụ heo cuối năm nay số lượng ra sao vẫn còn là con số chưa được giải đáp vì hiện tại cũng có nhiều người nuôi đang chựng lại. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất như con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc thú y, nhất là chi phí thức ăn tăng cao khiến cho người chăn nuôi chưa mạnh tay tái đàn.
Vụ heo tết vẫn là ẩn số
Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ một trang trại heo ở huyện Tân Hiệp bộc bạch, giá heo hơi có tăng nhưng không ai chắc là mai vẫn còn giá này hoặc tăng thêm, biết đâu chừng lại giảm thấp. “Tôi vẫn duy trì số lượng heo nái để lấy heo con bán giống và một ít heo thịt, không dám mạnh tay nuôi nhiều heo thịt như trước. Thường vào gần cuối năm là các hộ nuôi đều chuẩn bị xuất chuồng cho vụ tết nhưng giờ vẫn khá e dè việc nuôi nhiều nên chỉ cầm chừng thôi”, bà Tuyết cho hay.
Theo các hộ nuôi công nghiệp chia sẻ, nếu sử dụng hoàn toàn thức ăn viên, chi phí thức ăn chiếm đến 90% chi phí sản xuất. Nếu giá heo hơi giảm trở lại, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, trong tháng 8 vừa qua, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khá ổn định do giá cả có phần tăng trở lại. Đàn heo nuôi có số lượng trên 220.000 con, tăng hơn 22%. Thế nhưng, trong những ngày đầu tháng 9 lại có biến động giá cả nên con số này vẫn chưa thể khẳng định cho vụ heo cuối năm. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để kịp thời ứng phó các tình huống, hỗ trợ người nuôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận