Giá hạt tiêu vẫn chìm trong chuỗi ngày ảm đạm
Do giá giảm trong thời gian dài nên giá trị xuất khẩu của hạt tiêu đã suy giảm đáng kể so với thời gian trước. Theo đánh giá chung, loại nông sản này vẫn sẽ tiếp tục "ảm đạm" trong thời gian tới.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu (XK) hạt tiêu tháng 4/2019 đạt 32 nghìn tấn, trị giá 80 triệu USD, tăng 19,3% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, XK hạt tiêu đạt 103 nghìn tấn, trị giá 270 triệu USD, tăng 18,6% về lượng, nhưng giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt giá cả, đáng chú ý là 4 tháng qua, giá XK bình quân hạt tiêu đạt mức 2.619 USD/tấn, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trước đó, giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2019 đạt 2.800 USD/tấn, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019, gồm: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với 42,7% thị phần.
Trong tháng 3, giá hạt tiêu tại hầu hết thị trường lớn trên thế giới đều có xu hướng tăng nhẹ. Nhưng nếu xét chung 3 tháng đầu năm thì giá tiêu trong nước biến động theo chiều hướng giảm với mức giảm 6.000 - 6.500 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn chịu áp lực giảm giá do cung vượt cầu. Tại tỉnh Bình Phước, hiện có khoảng 20.000 tấn hạt tiêu vừa thu hoạch trong niên vụ mới 2019 chưa có đầu ra.
Dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu chưa thể phục hồi trở lại, song tốc độ giảm sẽ chậm lại. Tại Việt Nam, nước sản xuất hạt tiêu hàng đầu thế giới, nhiều hộ gia đình đã và đang có sự chuyển đổi cây trồng hạt tiêu sang loại cây khác.
Để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu về lâu dài cần phải thực hiện tổng thể các giải pháp; trong đó, việc quy hoạch lại vùng sản xuất việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành hồ tiêu.
Giá cả của sản phẩm ngành nông sản xuất khẩu, trong đó có cây hồ tiêu, chắc chắn sẽ biến động theo thị trường thế giới. Mặc dù hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, chiếm gần 60% thị phần thế giới nhưng chúng ta không kiểm soát được. Chính vì vậy, cần phải tính toán để sản xuất hồ tiêu trong bất kỳ tình huống nào cũng mang lại hiệu quả.
Để làm được điều đó, theo các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, bà con cần áp dụng tiến bộ mới trong sản xuất như chọn giống tốt, sạch bệnh, chăm sóc mức độ vừa phải, bón phân hữu cơ, phân vô cơ cân đối; áp dụng IPM trong sản xuất sẽ giúp cho vườn hồ tiêu bền vững hơn. Như vậy, người trồng hồ tiêu vẫn có thể có lãi mặc dù giá xuống thấp như hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận