Giá hạt tiêu giảm mạnh, nông dân chuyển sang trồng tiêu hữu cơ phục vụ thị trường cao cấp
Tuần đầu tháng 7, giá hạt tiêu giao dịch quanh mức 44.000 – 47.000 đồng/kg rồi giảm dần trong các tuần kế tiếp. Tính chung trong tháng 7, giá hạt tiêu mất từ 1.000 – 1.500 đồng/kg so với tháng 6.
Giá tiêu liên tục sụt giảm
Trong 3 tuần đầu tháng 7/2019, giá hạt tiêu đen trong nước biến động theo xu hướng giảm. So với ngày 10/7/2019, giá hạt tiêu đen giảm từ 1,1 - 2,2%, còn so với ngày 29/6/2018 giảm từ 2,1-2,2%.
Ngày 20/7/2019, giá hạt tiêu đen trong nước ở mức thấp nhất là 44.000 đ/kg tại tỉnh Đồng Nai, mức cao nhất là 46.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 70.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2019 và thấp hơn so với mức 87.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, ước khối lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng 7/2019 đạt 22,188 nghìn tấn, với 56,445 triệu USD, tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ 2018.
Lũy kế, 7 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu đạt 198,80 nghìn tấn, với 508,09 triệu USD, tăng 32% về lượng, nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu trung bình trong 15 ngày đầu tháng 7/2019 đạt 2.544 USD/ tấn, tăng 3,8% so với mức giá xuất khẩu trung bình tháng 6/2019.
Tháng 6/2019, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hoa Kỳ, Ai Cập giảm so với tháng 6/2018, trong khi đó xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường tăng về lượng, nhưng giảm về trị giá.
Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 6/2019 với lượng đạt 3.913 tấn, trị giá 10,74 triệu USD, giảm 19,2% về lượng và giảm 33,2% về trị giá so với tháng 6/2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang Hoa Kỳ tăng 17,4% về lượng, nhưng giảm 11,4% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018, đạt 27.703 tấn, trị giá 77,24 triệu USD.
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 6/2019 ghi nhận mức tăng trưởng cao 74,5% về lượng và 27,8% về trị giá so với tháng 6/2018, đạt 1.607 tấn, trị giá 3,68 triệu USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 13.819 tấn, trị giá 33,92 triệu USD, tăng 18,9% về lượng, nhưng giảm 13,5% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018.
Hướng tới sản xuất tiêu đạt chất lượng hữu cơ
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá hạt tiêu giảm và luôn ở mức thấp trong nhiều năm đã ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân trồng hạt tiêu, dẫn đến việc đầu tư chăm sóc giảm, nhiều vườn tiêu sinh trưởng kém. Dù vậy, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam vẫn tăng khá nhiều do năng suất chung vẫn tăng.
Cụ thể, tổng diện tích trồng tiêu của cả nước hiện là 145.447 ha, giảm khoảng 4.000 ha so với năm 2018; năng suất 25,5 tạ/năm, tăng 1,2 tạ/ha, sản lượng khoảng 300 nghìn tấn, tăng 45 nghìn tấn so với năm 2018.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong bối cảnh giá hạt tiêu toàn cầu liên tục giảm và duy trì ở mức thấp như hiện nay, để tăng thu nhập người nông dân chỉ có thể sản xuất tiêu sạch, kiểm soát được an toàn thực phẩm mới giúp ngành tiêu Việt Nam phát triển bền vững và tham gia vào các thị trường khó tính.
Sở dĩ giá bán hạt tiêu đạt chất lượng hữu cơ cao là vì trên thế giới sản lượng mặt hàng này chiếm chưa tới 2%. Sản phẩm hạt tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ có giá bán cao hơn giá tiêu xô thị trường từ 2 - 6 lần nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
“Điều kiện thời tiết và khí hậu đang diễn biến khá thuận lợi cho hoạt động sản xuất hạt tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trong những tháng đầu năm khiến diện tích cây tiêu bị thu hẹp. Dự báo, trong những tháng tới, giá xuất khẩu hạt tiêu sẽ tiếp tục ở mức thấp do Brazil và Indonesia đang bước vào vụ thu hoạch chính vụ”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận