Gia hạn tiền thuế và thuê đất: Đã bổ sung xây dựng, kinh doanh bất động sản vào dự thảo
"Trong Dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm 2 ngành kinh tế cấp 1, gồm xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản," ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thông tin về điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Nghị định về
Ông có thể cho biết những điểm mới trong dự thảo Nghị định về gia hạn tiền thuế và thuê đất trong lần hoàn thiện thứ ba này? Vì sao lại có sự mở rộng đối tượng lớn như vậy?
Sở dĩ có sự mở rộng đối tượng như vậy là do vào ngày 26/3, Bộ Tài chính đã có tờ trình số 47 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Song song với đó chúng tôi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trong quá trình xin ý kiến thẩm định, Bộ Tài chính tiếp tục xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, nhiều thành viên Chính phủ có ý kiến về dự thảo Nghị định lần này, trong đó có đề nghị bổ sung một số ngành. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ; Bộ Công Thương đề nghị bổ sung một số ngành; Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng… Trước đề xuất của các Bộ, ngành Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp tiếp thu ý kiến để có điều chỉnh phù hợp. Bộ Tài chính đã tập hợp toàn bộ ý kiến của các Bộ, ngành, hiệp hội, trên tinh thần tiếp thu tối đa ý kiến để có điều chỉnh tại dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
Trong Dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm 2 ngành kinh tế cấp 1, gồm xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản (ban hành theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Đối với ngành kinh tế cấp 2, chúng tôi bổ sung 11 ngành, gồm: (1) Chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rơm rạ, vật liệu và vật liệu tết bện; (2) Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; (3) sản xuất sản phẩm từ plastic; (4) sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, ví dụ từ sản phẩm gạch, thiết bị vệ sinh; (5) sản xuất kim loại; (6) gia công cơ khí và tráng phủ kim loại; (7) sản xuất giường tủ, bàn ghế; (8) Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; (9) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và tiền phẩm (theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ); (10) Sản phẩm cơ khí trọng điểm (Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam); (11) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid 19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.
Tôi xin nói thêm là ngành kinh tế trong phân ngành kinh tế gồm có 5 cấp. Cấp 1 gồm tất cả các ngành kinh tế cấp 2, 3, 4, 5 trong phạm vi cấp 1. Đối với ngành kinh tế cấp 2 gồm cấp 2, 3, 4, 5.
Có thể thấy, Dự thảo Nghị định bổ sung thêm 2 ngành kinh tế cấp 1 và tới 11 ngành kinh tế cấp 2 vào lĩnh vực được gia hạn là khá rộng. Vì vậy, gói hỗ trợ đang dự kiến khoảng hơn 80 nghìn tỷ như dự thảo trước đã tăng lên hơn180 nghìn tỷ.
Với việc mở rộng các đối tượng như vậy thì gói hỗ trợ sẽ bao quát được bao nhiêu % các doanh nghiệp?
Như đã trao đổi ở trên, trong Dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tài chính đã tiếp thu cơ bản, tối đa ý kiến của các hiệp hội, bộ, ngành. Do đó, ước tính tổng số doanh nghiệp được gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất lần này lên tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước.
Hiện nay đã qua ngày quyết toán 30/3 rồi thì với các trường hợp được gia hạn các loại thuế thì có ảnh hưởng ko? Hướng xử lý của Bộ như thế nào?
Về vấn đề này, tôi xin trao đổi 2 nội dung. Thứ nhất, để các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ngay gia hạn thì trong dự thảo chúng tôi trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Thứ hai, về thủ tục hành chính. Ở đây, để đơn giản trong quá trình thực thi gói hỗ trợ này thì doanh nghiệp chỉ cần làm đơn đề nghị và nộp 1 lần cho các cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Trong dự thảo có mẫu đơn đính kèm. Các loại thuế xin gia hạn, doanh nghiệp chỉ cần điền vào mẫu và gửi cho cơ quan Thuế trước 30/7/2020. Đơn xin gia hạn được gửi cùng với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (có loại khai theo tháng, có loại khai theo quý).
Với thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định hiện hành, đến 30/3, hay nói cách khác là sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế và nộp thuế. Hiện nay, mặc dù đã qua ngày phải khai và nộp thuế nhưng việc gia hạn lần này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ vào 26/3, trên cơ sở đó, thông qua Cổng Thông tin Bộ Tài chính cũng như chỉ đạo Tổng cục Thuế thông báo cho các Cục Thuế địa phương biết được tinh thần và nội dung trên để thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã chấp hành tốt, nộp trước rồi thì chúng tôi cho phép bù trừ vào các khoản thuế phải nộp khác để đảm bảo các doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi này.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận