menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hoàng

Gia hạn Thông tư 02/2023: Cần lường trước rủi ro... nợ xấu

Theo chuyên gia, quá trình gia hạn và áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN cần lưu ý lường trước các rủi ro nợ xấu

Đánh giá việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN là cần thiết cho nền kinh tế và doanh nghiệp, tuy nhiên, theo chuyên gia, quá trình tiếp tục áp dụng Thông tư cần lường trước các rủi ro nợ xấu…

Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN là giải pháp cần thiết, kịp thời giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, Thông tư này được gia hạn không chỉ giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), mà còn hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, tính đến 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Đáng nói, không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, Thông tư 02/2023/TT-NHNN cũng đã giảm áp lực gia tăng nợ xấu đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao trong bối cảnh dòng tiền trả nợ của cả người đi vay và chủ đầu tư dự án đều đang ngưng trệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực đem đến cho nền kinh tế, doanh nghiệp và ngân hàng, thì việc tiếp tục gia hạn Thông tư này có thể có tiềm ẩn rủi ro, khi nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) không được thể hiện một cách chính xác.

Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng mạnh từ 1,4% cuối năm 2022 lên 2,1% cuối quý II/2023 nhưng chỉ tăng 0,1 điểm % trong quý III. Báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu vào quý IV đã giảm còn 1,93%, so với 2,25% vào cuối quý III.

Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm hơn 21% vào cuối tháng 6/2023 so với đầu năm, nhưng chỉ giảm thêm 5,8% trong quý III/2023, sang quý IV, tỷ lệ này đã nhích nhẹ từ 93% lên gần 94,5%.

Từ đó có thể thấy, Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã góp phần không nhỏ vào việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức. Đồng thời cũng giúp các ngân hàng cũng giảm đi được áp lực hạch toán nợ xấu... việc gia hạn Thông tư là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cũng lưu ý, việc gia hạn, kéo dài hiệu lực của Thông tư cần có sự kiểm soát để tránh rủi ro nợ xấu phình to khi Thông tư hết hiệu lực.

Liên quan đến việc kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng là việc cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp còn khó khăn, bên vay còn khó khăn nhưng NHNN cần tính toán về thời gian áp dụng là bao lâu và phụ thuộc vào đà phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về rủi ro về nợ xấu khi Thông tư này hết hiệu lực. Khi đó, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp.

Theo ông Lực, nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tài chính.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Thông tư 02/2023/TT-NHNN có hai tác động trái ngược nhau. Về mặt tích cực, Thông tư này giúp doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế không bị tình trạng nợ xấu, khó khăn, dễ dàng tiếp cận vốn, không bị thu nợ để vay vốn sản xuất kinh doanh; giúp ngân hàng không bị nợ quá hạn cao, chất lượng tài sản kém và bị hạn chế, tạm thời ổn định được hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, về khía cạnh tiêu cực, những vấn đề như nghiệp vụ, an toàn hệ thống, đánh giá chất lượng ngân hàng có thể trở nên “lệch lạc”.

Vị chuyên gia này cho rằng, có thể xây dựng một cơ chế đặc biệt, vẫn với cơ chế như vậy, nhưng phải nhìn rõ nợ xấu bao nhiêu, nợ tốt bao nhiêu, nguy cơ ở đâu, rủi ro như thế nào. Có như thế thì khi đến lúc không còn cơ chế vẫn có thể lường trước được, tránh tạo các cú sốc.

“Cần phải đề phòng, sẵn sàng xử lý những khó khăn, vướng mắc mà chính thuận lợi tạo ra”, ông Đức bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, một số ý kiến cũng cho rằng, việc kéo dài áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN dù cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, không nên duy trì quá lâu, ngành ngân hàng nên chủ động kiểm soát, tập trung vào xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, không nên che đi con số thực tế. Và để tránh rủi ro nợ xấu phình to khi Thông tư này hết hạn, quá trình tiếp tục triển khai cần phải quan tâm đến hai vấn đề: Dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả