menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Yi Long Ma

Giá gạo tăng mạnh: Nguyên nhân và khả năng thích ứng của thế giới

Theo báo Liên hợp buổi sáng, sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, giá gạo quốc tế vẫn ổn định.

Nhưng giá gạo lại có chiều hướng tăng liên tục kể từ tháng 9/2022. Giới chuyên gia cho rằng giá gạo tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguồn cung phân bón không ổn định, hiện tượng El Niño ảnh hưởng đến sản lượng gạo, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát lạm phát lương thực… Nhiều nhân tố tích hợp dẫn đến niềm tin thị trường yếu, thậm chí thương lái tích trữ, đẩy giá lên cao, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không can thiệp kịp thời.  

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu các nước xuất khẩu gạo chủ chốt trên thế giới có thể đưa ra các biện pháp giúp ổn định niềm tin, giá gạo sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không đến mức làm bùng phát một cuộc khủng hoảng lương thực.

*Nguyên nhân Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Sau khi cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm 2022, ngày 20/7/2023 Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (không phải gạo basmati, một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ). Đến ngày 25/8/2023, nước này bắt đầu áp thuế xuất khẩu bổ sung 20% đối với gạo đồ. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% lượng xuất khẩu toàn cầu, nên một loạt động thái có liên quan của nước này đã khiến giá gạo quốc tế tăng cao.

Chi phí sinh hoạt ở Ấn Độ liên tục gia tăng, trong đó giá gạo tăng hơn 30% kể từ tháng 10/2022 đến nay, gây ra thách thức và áp lực cho các nhà điều hành, nhất là bầu cử ở nước này sẽ diễn ra vào đầu năm sau.

Theo giới chuyên gia, Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là để kiềm chế giá gạo trong nước và lạm phát nhằm gia tăng cơ hội chiến thắng của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới.

Một quốc gia sản xuất gạo lớn khác là Thái Lan, được dự báo sẽ đối mặt với mối đe dọa hạn hán kéo dài do hiện tượng El Niño tái xuất hiện vào nửa cuối năm nay. Để ứng phó với tình trạng thiếu nước, Chính phủ Thái Lan đã kêu gọi nông dân giảm canh tác lúa nước nhằm tiết kiệm nước.

Ngoài ra, mùa mưa hàng năm ở Ấn Độ trở nên thất thường không theo quy luật đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan cũng tác động đến thu hoạch lúa gạo.

Nhà kinh tế Erica Cheng của Ngân hàng Maybank nói với CNBC rằng: “Sắp tới chúng ta cần phải cảnh giác với kiểu thời tiết El Niño… Hiện tượng El Niño trong nửa cuối năm sẽ khiến nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp bị tác động trên diện rộng”.

Mặt khác, việc Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và đẩy giá lương thực quốc tế lên cao. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng khiến nguồn cung phân bón không ổn định, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động canh tác của nông dân.

*Liệu có xảy ra khủng hoảng lương thực?

Các chuyên gia nhấn mạnh, giá gạo tăng mạnh sẽ gây nên cú sốc nghiêm trọng đối với các gia đình có thu nhập thấp, bởi vì thu nhập của nhóm đối tượng này phần lớn được sử dụng để mua thực phẩm. Giá lương thực tăng liên tục cuối cùng buộc họ phải cắt giảm chi tiêu các phương diện khác.

Công ty chứng khoán Nomura phân tích cho rằng, Philippines là một trong những nước dễ chịu tổn thương nhất của giá lương thực tăng vọt do lạm phát lương thực tương đối cao trong tỷ lệ lạm phát của nước này.

Các phân tích phổ biến cho rằng, mặc dù giá gạo sẽ tiếp tục tăng, nhưng đa số các nước châu Á có thể chịu được tác động của nguồn cung gạo không ổn định.

Nhà kinh tế Erica Cheng nhấn mạnh, các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia là những nước xuất khẩu ròng gạo, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới nhưng chỉ nhập khẩu 1% gạo, phần lớn từ Việt Nam và Myanmar. Do đó Ấn Độ giảm xuất khẩu không ảnh hưởng đáng kể đối với Trung Quốc.

Nhà kinh tế này cũng cho rằng mặc dù các vùng sản xuất lúa gạo ở Đông Bắc Trung Quốc đối diện với lũ lụt, nhưng dự trữ gạo của Trung Quốc có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Báo cáo đánh giá của Viện nghiên cứu chính sách công Crawford thuộc Đại học quốc gia Australia (ANU) nhấn mạnh, vụ mùa bội thu năm nay của Việt Nam có thể bù đắp một số khoảng trống sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu.

*Làm thế nào để ổn định niềm tin và giá gạo?

Các chuyên gia lương thực cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ gạo của các nước nhập khẩu chủ chốt là một khâu quan trọng trong việc ổn định thị trường và xu hướng giá cả. Các nước cũng có thể hành động để chống lại tình trạng thương lái tích trữ và đẩy giá lên cao.

Giáo sư danh dự Timo của Đại học Harvard lấy cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 làm ví dụ. Khi đó Nhật Bản trở thành quốc gia then chốt bổ sung nguồn cung gạo thiếu hụt, giúp giá gạo trở lại trạng thái bình thường, tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn.

Ông Timo cho rằng nếu Ấn Độ cam kết thực hiện đầy đủ hợp đồng cung ứng gạo với Indonesia thì có thể phát huy tác dụng trấn an thị trường. Trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, nước này đã ký hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo với Indonesia.

Trên website Diễn đàn Đông Á của Đại học Quốc gia Australia, ông Timo bình luận rằng: “Câu hỏi lớn nhất hiện nay là giá gạo sẽ tăng dần để người tiêu dùng có thể từ từ thích ứng với mặt bằng giá mới mà không hoảng sợ, hay giá gạo sẽ tăng vọt? Kể từ khi Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu vào tháng Bảy đến nay, dường như không gây ra sự hoảng loạn nào, điều này cho thấy việc tăng giá gạo sẽ dần dần được kiểm soát”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại