menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hoàng

Giá gạo tăng cao tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát lạm phát

Giá cao hơn phần lớn là do hạn hán được gây ra bởi El Nino, sự nóng lên của nhiệt độ bề mặt đại dương ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương.

Giá lương thực thiết yếu đạt mức cao nhất trong 15 năm do thời tiết khắc nghiệt và các biện pháp cấm xuất khẩu ở nhiều quốc gia châu Á.

Lạm phát tiếp tục gia tăng ở nhiều nước châu Á phần lớn là do giá gạo và các mặt hàng thực phẩm khác tăng cao. Giá lương thực tăng là nguyên nhân gây ra lạm phát từ 50% đến 70% ở Philippines và Ấn Độ.

Đáng chú ý, giá gạo, loại lương thực chủ yếu trong khu vực châu Á, đã tăng vọt do thu hoạch kém vì thời tiết khắc nghiệt. Giá gạo khó có thể hạ nhiệt vì nhiều nhà xuất khẩu gạo không muốn bán gạo ra nước ngoài và ưu tiên cho nhu cầu trong nước. Điều này đang làm gia tăng lo ngại về khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực.

Trước đó, giá lúa mì và ngô tăng vọt trên toàn thế giới vào năm 2022 sau khi Nga tiến hành chiến sự với Ukraine, nơi được coi là vựa lúa mì của Châu Âu. Mặc dù lạm phát lương thực ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ và châu Âu, tác động của chiến sự Nga- Ukraine tương đối hạn chế ở châu Á.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, áp lực lạm phát lương thực đã chuyển sang châu Á, nơi chiếm khoảng 80% nhu cầu gạo toàn cầu. Mặc dù giá lúa mì quốc tế đã bắt đầu giảm nhưng giá gạo lại tăng lên mức cao nhất trong 15 năm vào cuối tháng 12/2023, tăng khoảng 40% so với tháng 1/2023.

Giá cao hơn phần lớn là do hạn hán được gây ra bởi El Nino, sự nóng lên của nhiệt độ bề mặt đại dương ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương. Hiện tượng thời tiết xuất hiện vào mùa xuân đã mang đến những đợt khô hạn ở Nam và Đông Nam Á, tàn phá mùa màng.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu đạt tổng cộng 510 triệu tấn trong năm thu hoạch 2022-2023. Ngũ cốc thường được tiêu thụ trong nước ở các quốc gia sản xuất, bao gồm cả Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất với 150 triệu tấn.

Giá gạo quốc tế có xu hướng biến động mạnh do chỉ xuất khẩu khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Những biến động như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia không thể tự đáp ứng nhu cầu trong nước và phải phụ thuộc vào nhập khẩu, nhất là Philippines- nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Vào tháng 11/2203, lạm phát ở Philippines tăng lên mức 4,1%, so với 3,1% ở Mỹ và 2,4% ở khu vực đồng euro. Gần một phần ba mức tăng này đến từ nguyên nhân giá gạo tăng cao. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã thiết lập mức trần giá gạo trong một tháng cho đến đầu tháng 10/2023 nhằm kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, thị trường gạo toàn cầu bị giáng một đòn mới vào tháng 7/2203 khi Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% xuất khẩu gạo toàn cầu, cấm xuất khẩu gạo trắng, ngoại trừ gạo basmati. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rõ ràng muốn ưu tiên nguồn cung trong nước trước cuộc tổng tuyển cử quốc gia vào năm 2024. Lạm phát của Ấn Độ vẫn ở mức cao 5,6% trong tháng 11, với giá thực phẩm tăng 3,7%, chiếm 70% mức tăng chung.

Ông Toru Nishihama, chuyên gia kinh tế trưởng tại Dai-ichi Life, cho biết Indonesia có thể hành động tương tự Ấn Độ vì nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024. “Với mong muốn tăng cường an ninh lương thực, Jakarta có thể chuyển sang ưu tiên nguồn cung trong nước, khiến giá ngũ cốc quốc tế tăng cao”, chuyên gia này lưu ý.

Thế giới dường như đang chuẩn bị rơi vào một vòng xoáy tiêu cực, trong đó những lo ngại về an ninh lương thực, thời tiết bất thường gia tăng... khiến các nước sản xuất ngũ cốc phải tích trữ, làm trầm trọng thêm lo ngại về nguồn cung.

Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC viết trong một báo cáo gần đây: “Ký ức về cuộc khủng hoảng giá thực phẩm ở châu Á năm 2008 vẫn còn in sâu. Giá thực phẩm tăng vọt trên toàn thế giới cách đây 15 năm do dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường".

Lạm phát lương thực ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở Nam và Đông Nam Á, nơi thực phẩm chiếm 30% đến 50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với khoảng 10% đến 20% ở các nền kinh tế phát triển. Giá lương thực cao cũng ảnh hưởng đến chính sách của các chính phủ. Đối mặt với lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương Philippines đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 6,5% tại cuộc họp khẩn cấp vào cuối tháng 10/2023.

Các chuyên gia nhận định, lạm phát toàn cầu đang giảm dần trên toàn thế giới. Có nhiều đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Fed sẽ chuyển sang nới lỏng tiền tệ vào năm 2024, làm dấy lên kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Tuy nhiên, nhiều nước châu Á vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Với lạm phát lương thực vẫn đang âm ỉ, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực tiếp tục phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là cân bằng giữa kiểm soát giá cả và tăng trưởng kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

18.85

-0.16 (-0.83%)

Biểu đồ mã Rice
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại