Giá gạo, cà chua, hành củ bắt đầu 'nhảy múa'
Một tuần sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết hôm 27/7, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan là 603 USD/tấn, cao thêm 59 USD so với một tuần trước đó và cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (không phải gạo basmati) sau khi giá bán lẻ trong nước của mặt hàng này tăng 3% chỉ trong một tháng do mưa lớn làm ảnh hưởng đến thu hoạch.
Lệnh cấm đã gây chấn động thị trường toàn cầu. Hệ quả là giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam - hai quốc gia xuất khẩu gạo thứ 2 và thứ 3 thế giới - trong tuần qua biến động theo ngày. Kể từ ngày 20-7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam đã tăng lần lượt là 59 USD và 25 USD mỗi tấn.
Ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo việc cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ "làm trầm trọng thêm biến động giá lương thực" trên toàn cầu và khuyến nghị xem xét lại quyết định này.
Bà Shirley Mustafa, chuyên gia phân tích thị trường gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), cho rằng quyết định của Ấn Độ là một đòn giáng mạnh vào độ tin cậy của thương mại quốc tế.
Hãng tin Reuters cho biết lệnh cấm dự kiến sẽ làm giảm khoảng 1/5 nguồn cung gạo trên thị trường thế giới, có thể dẫn đến tranh giành nguồn cung và làm gia tăng quan ngại về an ninh lương thực. Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ tìm cách để đạt được thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ để đảm bảo nguồn cung, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt và kiểm soát giá cả.
Tin xấu về gạo chưa hết khi Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, đang gặp tình trạng sụt giảm sản lượng do hạn hán. Trong khi vùng trồng lúa ở Việt Nam sản xuất được 3 vụ lúa/năm thì Thái Lan chỉ trồng được 1 - 2 vụ lúa/năm.
Năm nay, do thiếu nước, Thái Lan đã chỉ đạo nông dân chỉ được trồng một vụ lúa. Nước này cũng đang đánh giá lại kho dự trữ quốc gia để đưa ra những biện pháp tiếp theo.
Không chỉ giá gạo tăng cao, các quốc gia châu Á còn chứng kiến màn "hỗn loạn" giá của các loại nông sản thiết yếu khác như cà chua, hành củ. Kinh nghiệm cho thấy những lần giá cả một mặt hàng nông sản thiết yếu nào đó tăng cao bất thường, bất ổn luôn xảy ra.
Tháng 7 năm nay, Ấn Độ - nước sản xuất cà chua lớn thứ 2 trên thế giới - chứng kiến giá cà chua tăng hơn 341% so với cùng kỳ năm trước do lũ lụt.
Cùng với hành tây, cà chua là "thực phẩm thiết yếu tuyệt đối" trong bữa ăn hằng ngày của người Ấn.
Giá cà chua cao và khan hiếm đã tác động trực tiếp đến bữa cơm của mọi người, mọi nhà trong xã hội Ấn Độ. Những vụ trộm cắp mà trong đó kẻ trộm chẳng lấy gì ngoài những hộp cà chua được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhiều người thậm chí phải đi sang tận nước láng giềng Nepal để tìm mua cà chua giá rẻ hơn.
Philippines cũng chứng kiến một vụ hỗn loạn giá tương tự với hành củ. Từ cuối năm 2022 sang đến những tháng đầu năm 2023, giá hành tím và hành tây, thành phần thiết yếu trong hầu như mọi món ăn ở Philippines, vọt lên gần 13 USD/kg, mức giá cao nhất trong 14 năm do lạm phát.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Philippines, có thời điểm giá củ hành gấp 3 lần giá thịt gà, cao hơn giá thịt bò 30% và cao hơn thu nhập tối thiểu theo ngày theo quy định. Giá tăng khiến nhiều người đi buôn lậu củ hành bất chấp các rủi ro pháp lý.
Trong khi hải quan tích cực kiểm tra và ngăn chặn hành động này để bảo vệ nông dân trong nước thì nhiều người dân, thậm chí cả quan chức, lại đề nghị cho phép "tạm thời" bán số hành nhập lậu để "cứu cơn khát củ hành của thị trường".
Truyền thông Philippines cho biết ít nhất 10 tiếp viên hàng không đã bị khởi tố vì xách tay hành củ từ nước ngoài về, vi phạm lệnh cấm không được mang mọi loại rau, trái cây lên máy bay. Mà số lượng hành củ được các tiếp viên "xách tay" về chỉ vỏn vẹn 27kg - để dùng cho nhu cầu của gia đình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận