menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thủy Tiên

Giá đường bứt tốc do sản lượng sụt giảm ở châu Á

Sau khi trải qua một năm ảm đạm, giá đường trên thị trường thế giới tăng mạnh trong những ngày đầu năm 2020, mang lại niềm hân hoan cho nông dân trồng mía và các nhà máy đường.

Chiều 15-1 (theo giờ Việt Nam), giá đường thô kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa ICE ở New York tăng mạnh lên mức 14,46 cent/pound (0,45 kg), cao nhất trong 2 năm qua.

Từ ngày 2-1 đến nay, giá đường kỳ hạn ở New York đã tăng 9,1%. Giá đường đã phục hồi 33% sau khi giảm về mức 11 cent/pound hồi tháng 9 năm ngoái.

Giá đường thậm chí còn tăng mạnh hơn nếu tính theo đồng rupee của Ấn Độ hoặc đồng real của Brazil vì cả hai đồng tiền này đều đang suy yếu so với đồng đô la Mỹ. Ấn Độ và Brazil là hai nước sản xuất đường lớn nhất thế giới.

Giá đường khởi sắc giúp giải tỏa sức ép tài chính cho nông dân trồng mía và các nhà máy đường ở hai nước này. Lượng đường tồn kho khổng lồ của Ấn Độ đã đè nén giá đường thế giới trong nhiều năm qua.

Thời biết bất lợi với cây mía ở Ấn Độ và Thái Lan, nước sản xuất đường lớn thứ 4 thế giới, đã giúp giá đường phục hồi trong những tháng gần đây.

Vụ mía 2019-2020 của Thái Lan, kết thúc vào tháng 3 tới, được dự báo đạt sản lượng thấp hơn so với niên vụ trước do thời tiết khô hạn bất thường kéo dài nhiều tháng. Vì giá mía thấp, nhiều nông dân Thái Lan chuyển sang trồng sắn, khiến sản lượng đường của nước này có thể suy giảm mạnh hơn.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng đường của Thái Lan sẽ giảm 1 triệu tấn trong niên vụ hiện nay, về mức 13,5 triệu tấn.

“Thái Lan đã trải qua các điều kiện khô hạn trong suốt năm qua. Tác động của thời tiết lên thị trường bắt đầu rõ rệt”, Carlos Mera, nhà phân tích hàng hóa cấp cao ở Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), nói.

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) dự báo sản lượng trong niên vụ hiện nay của Ấn Độ sẽ rơi về mức 26 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 33,16 triệu tấn trong niên vụ 2018-2019.

Sản lượng đường sụt giảm ở Thái Lan và Ấn Độ làm dấy lên các lo ngại thị trường đường toàn cầu sẽ thiếu hụt trong niên vụ hiện nay.

Các nhà nhập khẩu đang chuyển sang mua đường từ Ấn Độ thay vì Thái Lan để tận dụng giá rẻ hơn. Tuy nhiên, hiện nay, giá đường ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng đang tăng vì lượng mưa quá mức trong mùa mưa vừa qua gây ngập lụt nhiều nơi ở bang Maharashtra và các vùng sản xuất mía đường khác của Ấn Độ vào cuối năm 2019.

Hiện các nhà máy đường ở Ấn Độ đang được hưởng lợi nhờ giá đường trắng tăng nhanh hơn giá đường thô, giúp biên lợi nhuận của họ tăng cao hơn.

Tuy nhiên, Brazil sẽ quyết định liệu giá đường còn cơ hội tiếp tục tăng lên cao nữa hay không. Năm ngoái, các nhà máy ở đất nước Nam Mỹ này chủ yếu ép mía để sản xuất cồn sinh học ethanol nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu sinh học đang tăng mạnh ở những người đi ô tô.

Công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết khoảng 70% ô tô hạng nhẹ ở Brazil có thể vừa vận hành được bằng ethanol hoặc xăng trộn với ethanol.

Điều nguy hiểm đối với thị trường đường là nếu giá tiếp tục tăng cao hơn, các nhà máy ở Brazil sẽ chuyển sang ép mía nhiều hơn để sản xuất đường, thay vì ethanol. Trong trường hợp đó, sản lượng đường toàn cầu có thể tăng thêm 4 triệu tấn.

Giới phân tích cho biết nhà máy ở Brazil đang cân nhắc tăng ép mía để sản xuất đường trong niên vụ mía mới bắt đầu từ tháng 4-2020 nếu giá đường tiếp tục tăng. Trong niên vụ hiện nay, các nhà máy ở Brazil ép 34% sản lượng mía để sản xuất đường, số mía còn lại được sử dụng để sản xuất ethanol.

Willian Hernandes, nhà phân tích ở Công ty tư vấn at FG/A, nhận định giá đường hiện nay chưa đủ cao để các nhà máy ở Brazil chuyển sang sản xuất đường nhiều hơn.

Giới phân tích cho rằng nếu giá đường kỳ hạn ở New York vượt mức 15 cent/pound, các nhà máy ở Brazil sẽ bắt đầu tăng ép mía để sản xuất đường thay vì ethanol.

Theo ông Michael McDougall, Giám đốc Công ty môi giới hàng hóa Paragon Global Markets, các nhà máy ở Brazil thích sản xuất ethanol hơn vì tính thanh khoản cao và lợi nhuận hơn hẳn so với sản đường.

Họ sẽ được trả tiền trong vòng 3 ngày sau khi bán ethanol, trong khi đó nếu bán đường họ phải chờ 45 ngày sau mới nhận được tiền.

Theo Wall Street Journal, Reuter

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại