Gia đình lắp điện mặt trời áp mái được… cho tiền
Những hộ gia đình lắp hệ thống điện mặt trời áp mái trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021 sẽ được Chính phủ Đức, thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức hỗ trợ từ 6 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, một mối lo là khi hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt nhiều sẽ làm gia tăng nguồn rác thải điện tử vì chất lượng của các tấm pin, thiết bị… chưa được quản lý.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trung tâm Kinh doanh, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mức hỗ trợ sẽ là 3 triệu đồng cho mỗi kWp lắp đặt và tổng mức hỗ trợ cho mỗi gia đình không vượt quá ngưỡng 6-10 triệu đồng.
“Chúng tôi đang tính toán, cân nhắc để chọn một con số trong ngưỡng 6 - 10 triệu đồng. Mục tiêu là để càng nhiều gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái được hỗ trợ càng tốt”, ông Dũng nói với TBKTSG Online bên lề buổi giới thiệu "Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam" diễn ra hôm nay, 25-7 tại TPHCM.
Hỗ trợ hộ gia đình tiền khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nằm trong chương trình Get Fit do Chính phủ Đức, thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ cho Việt Nam với tổng số tiền 14,5 triệu Euro. Chương trình đặt mục tiêu sẽ có thể hỗ trợ được 50.000 - 70.000 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong giai đoạn 2019 - 2021.
Ông Dũng cho biết, đến hiện tại, chưa xác định được chính xác thời điểm bắt đầu hỗ trợ vì Bộ Công Thương đang triển khai các thủ tục cần thiết và đây cũng là một quy trình phức tạp, liên quan đến các quy tắc tài chính, giải ngân. Tuy nhiên, do đã hơn nửa năm của 2019 trôi qua nên chắc chắn sẽ đẩy nhanh và hy vọng trong năm nay sẽ có thể cụ thể hóa.
Ở thời điểm hiện tại, theo ông Dũng, Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật với các tấm pin, thiết bị để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Người tiêu dùng vì vậy gặp khó khăn khi lựa chọn nhà cung cấp, EVN cũng khó đánh giá chất lượng cũng như có khuyến nghị với người tiêu dùng. Do vậy, việc quan trọng lúc này là phải có đơn vị quản lý về chất lượng sản phẩm, thiết bị. Các nhà sản xuất cũng như thương mại khi cung cấp hàng hóa ra thị trường thì sản phẩm phải được một tổ chức xác nhận tính phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định.
Trên thị trường hiện nay, theo ghi nhận của TBKTSG Online, hiện có nhiều công ty thương mại chuyên nhập khẩu tấm pin từ các nước về phân phối và đang có cuộc cạnh tranh về giá ở sản phẩm này. Tuy nhiên, như khuyến cáo của chuyên gia trong ngành, tấm pin kém chất lượng sẽ làm giảm tuổi đời của hệ thống xuống chỉ còn 5-10 năm trong khi đạt chuẩn phải tới 15 - 20 năm. Đây sẽ là hậu họa với môi trường nếu không xử lý các rác thải điện tử đúng cách.
Theo số liệu thống kê của EVN, tính đến 18-7 đã có 9.314 hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt với công suất 193MWp. Trong đó, 204 hệ thống là của EVN lắp đặt tại các các trụ sở. Số còn lại 9.110 là của khách hàng doanh nghiệp (với 1.560 hệ thống với công suất 145,9MWp) và hộ gia đình (7.550 hệ thống với 40,46MWp).
Theo quyết định 2023 của Bộ Công Thương về chương trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam thì mục tiêu sẽ có 100.000 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong giai đoạn 2019 - 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận