Giá điện tăng, nhu cầu lắp điện mặt trời tăng gấp 10 lần
Sau khi giá điện chính thức tăng thêm 8,36%, cùng với việc ngành điện lực ký hợp đồng mua điện với nhiều hộ dân lắp pin điện mặt trời, thị trường điện mặt trời gia đình trở nên sôi động trong thời gian gần đây.
Sau khi giá điện chính thức tăng thêm 8,36%, cùng với việc ngành điện lực ký hợp đồng mua điện với nhiều hộ dân lắp pin điện mặt trời, thị trường điện mặt trời gia đình trở nên sôi động trong thời gian gần đây.
Hợp đồng lắp đặt tăng gấp 10 lần
Trong những ngày nắng nóng tháng 5, các công ty thi công và lắp đặt điện mặt trời gia đình liên tục nhận hợp đồng lắp đặt từ khách hàng.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Mai Văn Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK), cho biết trong thời gian vừa qua, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái của các hộ dân tăng đột biến. Nếu như trước đây, mỗi tháng SolarBk có khoảng 3-4 hợp đồng thì nay con số đã tăng gấp 10 lần khiến nhân sự thực hiện làm không kịp.
Thậm chí, đa phần khách hàng còn yêu cầu phải hoàn thành lắp đặt trước 31-5, tức là sớm một tháng so với hạn chót ngày 30-6 (để được hưởng giá bán điện ưu đãi), ông Trung cho biết thêm.
Đại diện Công ty TNHH Vũ Hồng Minh Solar tại quận Tân Phú, TPHCM, cho biết thời gian qua công ty đã nhận lắp cho khoảng gần 100 doanh nghiệp và cá nhân trên cả nước về điện năng lượng mặt trời.
Nói về nguyên nhân việc lắp điện mặt trời gia đình tăng đột biến, ông Trung cho biết, nguyên nhân lớn nhất là việc giá điện tăng giá 8,36% từ ngày 20-3. Với nhiều hộ gia đình, sau khi giá điện tăng, giá điện sử dụng đã lên mức hơn 2.500 đồng/kWh. Trong khi đó, các hộ sản xuất sử dụng điện kinh doanh, giá điện lúc cao điểm có thể lên tới 4.500 đồng/kWh.
Nguyên nhân thứ hai chính là giá bán điện mặt trời áp dụng từ ngày 30-6 theo đề xuất của Bộ Công Thương. Theo dự thảo của Bộ Công Thương, giá bán điện cho hình thức điện mặt trời áp mái đang là cao nhất trong bốn loại hình (điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, dự án tích hợp hệ thống lưu trữ và điện mặt trời áp mái), từ 1.803 đồng đến 2.486 đồng/kWh trong 20 năm, tính từ ngày hệ thống vận hành thương mại.
Thị trường sẽ cạnh tranh khốc liệt
Việc giá điện tăng khiến nhiều gia đình và các công ty chuyển qua lắp điện mặt trời để giảm tiền điện nếu còn dư có thể bán lại cho ngành điện. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, ngụ tại 8/10 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, gia đình bà đã lắp điện mặt trời được vài tháng với công suất 3kW. Giá lắp đặt trọn gói là 66 triệu đồng, bảo hành 10 năm cho tấm pin, 5 năm cho Inverter (bộ chuyển đổi điện năng).
Trước khi lắp đặt điện mặt trời mỗi tháng gia đình bà Hương sử dụng khoảng 1,2 triệu đồng tiền điện, sau khi sử dụng điện mặt trời tiền điện hàng tháng gia đình bà giảm còn 150.000 đồng nên không còn lo giá điện tăng. Theo tính toán của bà Hương, với khoản đầu tư 66 triệu đồng, hàng tháng nhà bà giảm khoảng 1 triệu đồng tiền điện, ước tính khoảng hơn 5 năm gia đình bà sẽ thu hồi được vốn bỏ ra. Tuy nhiên, thực tế sử dụng được 25 năm tới 30 năm. Bà cho biết khi dư vốn sẽ lắp thêm để sử dụng và bán lại cho ngành điện.
Không chỉ gia đình lắp để sử dụng mà nhiều công ty cũng lắp điện mặt trời để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Bà Nguyễn Vũ Thanh Loan, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Bảo Trân (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết, công ty đã lắp điện mặt trời với công suất 10kW; chi phí lắp đặt khoảng 22 triệu đồng/kW.
“Hiện tại tiền điện công ty đã giảm so với trước khi sử dụng điện mặt trời, công ty dự kiến lắp thêm khoảng 20-30kW trong thời gian tới. Với khoản đầu tư 500 triệu, hàng tháng, công ty giảm khoảng 3,6 triệu tiền điện. Ước tính khoảng hơn 5-6 năm sẽ thu hồi được vốn” bà Loan nói.
Khi nhu cầu lắp đặt điện mặt trời tăng đột biến, nhiều công ty mới gia nhập thị trường ở lĩnh vực này. Ông Lê Minh, Phó Tổng giám đốc phát triển chiến lược Công ty Riny, công ty chuyên lắp đặt và thi công điện mặt trời cho biết, thị trường điện mặt trời hiện nay rất sôi động khi có nhiều công ty mới tham gia thị trường. Vì thế, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới, ông Minh cho biết thêm.
Hiện nay, thị trường rất đa dạng về công suất cũng như giá cả để người dùng có thể lựa chọn. Về công suất hiện nay có rất nhiều mức từ nhỏ nhất là 1,5kW đến mức lớn nhất đến 60kW tùy theo quy mô của từng hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ.
Về giá cả cũng rất đa dạng từ vài chục triệu đến gần tỉ đồng. Ví dụ, như Công ty Riny có giá lắp một bộ công suất nhỏ nhất 1,5kW giá là 35 triệu đồng, còn cao nhất là 60kW là 995 triệu đồng, công suất càng lớn thì chi phí lắp đặt càng tăng.
Ông Minh khuyến nghị, thị trường hiện nay rất đa dạng nên người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về công nghệ lắp đặt cũng như vòng đời của thiết bị để chọn lựa các sản phẩm phù hợp với nhu cầu.
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC), tính đến tháng 4-2019, TPHCM đã có 1.379 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và đăng ký bán lại điện với tổng công suất lắp đặt 16,68MW. Về giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, EVN HCM thông báo các dự án vận hành thương mại trước ngày 1-1-2018 là 2.086 đồng/kWh. Dự án vận hành thương mại từ 1-1-2018 đến 31-12-2018 giá mua điện là 2.096 đồng/kWh và vận hành từ 1-1-2019 đến 31-12-2019 có giá mua điện là 2.134 đồng/kWh. Từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện vẫn tính là 9,35 cent/kWh và được xác định từng năm dựa theo tỉ giá trung tâm của tiền đồng với đô la Mỹ. Các mức giá mua điện này chưa tính thuế giá trị gia tăng. Dự kiến trong năm 2019, TPHCM sẽ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt dự kiến từ 50-80MW. TPHCM hiện có hơn 18.000 khách hàng tiềm năng để lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận