Giá điện tăng, ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ tác động tiêu cực tới nhóm ngành sản xuất có tỷ lệ chi phí điện trên giá vốn hàng bán cao, chẳng hạn như: hóa chất, xi măng, phân bón, nhựa, thép.
Quan điểm này được CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nêu trong báo cáo đánh giá về tác động của việc EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân.
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2009 – 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 12 lần. Trong đó, từ năm 2015 – 2019, giá điện trung bình được điều chỉnh 2 năm/lần, với mức tăng trung bình 7,31%/lần.
Giai đoạn 2019 – 2022, giá điện được giữ nguyên để hỗ trợ nền kinh tế, khi Việt Nam phải chịu nhiều cú sốc như dịch Covid-19 (2020-2021), xung đột Nga – Ukraine (2022) khiến giá năng lượng tăng vọt, kéo theo lạm phát toàn cầu tăng lên.
Sau bốn năm không thay đổi, trong năm 2023, giá điện đã được điều chỉnh tăng hai lần, lần lượt tăng 3% lên 1.920,37 đồng/kWh và tăng 4,5% lên 2.006,79 đồng/kWh. Sau hai lần điều chỉnh, giá điện hiện tại tăng 7,64% so với năm 2019, theo BSC.
BSC dự báo, trong năm 2024, EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 7-8%, do giá điện hiện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất (2.098 đồng/kWh), áp lực tăng chi phí hoạt động đến từ tỷ giá và hiệu ứng El Nino sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm sau.
Theo BSC, việc tăng giá bản lẻ điện bình quân sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Với quyền số giá điện sinh hoạt trong rổ CPI là 3,1%, dự báo giá điện tăng 7-8% sẽ làm CPI tăng 0,23%-0,26%.
Bên cạnh đó, giá điện tăng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như sinh hoạt trong toàn nền kinh tế, từ đó kéo theo mặt bằng giá cả hàng hóa chung tăng lên, làm tăng tốc độ lạm phát.
"Tuy nhiên, tác động vòng hai sẽ có độ trễ. Mức tăng này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến lạm phát trung bình năm 2023 do giá điện được điều chỉnh lần gần nhất khi sắp hết năm (ngày 9/11/2023)", báo cáo nêu.
Ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Theo BSC, việc EVN tăng giá điện có thể tác động tiêu cực tới một số ngành sản xuất có tỷ trọng chi phí điện trên giá vốn hàng bán cao, như: hóa chất (25-35%), xi măng (12-15%), phân bón (10-15%), nhựa (2-3%), thép (lò cao: 2%).
Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) ước tính, chi phí điện tăng 4,5% có thể làm tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm 23%, ngành xi măng giảm 21%, ngành giấy giảm 2%, ngành hóa chất giảm 1%.
"Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào", Mirae Asset nhận định.
Theo Mirae Asset, giá điện tăng có thể tác động tích cực tới những doanh nghiệp phân phối điện, vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất điện, trên thực tế, các công ty này đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu.
CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, việc EVN tăng giá điện sẽ hỗ trợ cải thiện dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp điện như POW, PGV, NT2, QTP, HND.
Bên cạnh đó, giá điện tăng cũng phần nào tạo dư địa lớn hơn để huy động từ các nguồn điện giá cao như than, khí, hỗ trợ triển vọng sản lượng các nhà máy của các doanh nghiệp này phục hồi trong thời gian tới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận