24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Đình Phúc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá điện tăng, lĩnh vực nào chịu nhiều tác động nhất?

Giới chuyên gia nhìn nhận việc tăng giá bán điện sẽ ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện. Trong khi đó, các nhóm hóa chất, xi măng, phân bón, nhựa và thép được dự báo sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.

Vào ngày 8/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm hơn 86,4 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh (tăng 4,5%), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,5%.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo EVN trong năm 2024 có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 7-8%, do giá điện hiện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất (2.098 đồng/kWh), áp lực tăng chi phí hoạt động đến từ tỷ giá và hiệu ứng El Nino sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm sau.

Theo BSC, việc tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Với quyền số giá điện sinh hoạt trong rổ CPI là 3,1%, dự báo giá điện tăng 7-8% sẽ làm CPI tăng 0,23%-0,26%.

Bên cạnh đó, giá điện tăng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như sinh hoạt trong toàn nền kinh tế, từ đó kéo theo mặt bằng giá cả hàng hóa chung tăng lên, làm tăng tốc độ lạm phát.

"Tuy nhiên, tác động vòng hai sẽ có độ trễ. Mức tăng này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến lạm phát trung bình năm 2023 do giá điện được điều chỉnh lần gần nhất khi sắp hết năm (ngày 9/11/2023)", BSC cho biết.

Lĩnh vực nào sẽ hưởng lợi?

Nhận định về đợt tăng giá điện vừa qua của EVN, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng quyết định tăng giá đến khá bất ngờ nhưng cũng phần nào phản ánh thực trạng tình hình tài chính của EVN, đặc biệt khi doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 29.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023. MBS đánh giá đợt tăng giá dù chưa đủ giúp EVN có lãi trong năm 2023 nhưng sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho doanh nghiệp này.

Cũng theo MBS, giá điện bán lẻ tăng ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt, khi EVN đóng vai trò là nhà mua - bán điện chính. Xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp điện bắt đầu từ 2022, khi nền giá đầu vào thế giới bắt đầu tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nổi bật trên sàn như: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: POW), Tổng Công ty Phát điện 3 (mã chứng khoán: PGV), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) ghi nhận khoản phải thu với EVN tăng mạnh nhất do giá bán điện cao, đây cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tỉ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành.

“Do đó, chúng tôi đánh giá việc EVN tăng giá điện sẽ làm giảm đáng kể xu hướng này từ cuối 2023 và sang năm 2024, hỗ trợ cải thiện dòng tiền kinh doanh (CFO) và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, việc EVN tăng giá điện cũng phần nào tạo dư địa lớn hơn để huy động từ các nguồn điện giá cao như than, khí, hỗ trợ triển vọng sản lượng của các nhà máy này phục hồi trong thời gian tới”, MBS nhận định.

Mặt khác, công ty chứng khoán này cũng cho rằng, khi tình hình tài chính của EVN được cải thiện, những doanh nghiệp xây lắp điện sẽ cũng được hưởng lợi. Theo MBS, giai đoạn 2022 - 2023 là giai đoạn rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện, hầu như không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN, chính sách giá cho năng lượng tái tạo vướng mắc, và dòng tiền cho các dự án cũng bị gián đoạn.

Trong khi đó, Mirae Asset cho rằng việc tăng giá điện sẽ dẫn đến tăng giá vốn hàng bán một số doanh nghiệp. Theo ước tính của công ty chứng khoán này, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.

Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Mirae Asset ước tính, chi phí điện tăng có thể khiến lãi trước thuế ngành thép giảm 23%, ngành giấy giảm 2%, ngành xi măng giảm 21%, ngành hóa chất giảm 1%.

Đồng quan điểm, BSC nhận định việc EVN tăng giá điện có thể tác động tiêu cực tới một số ngành sản xuất có tỷ trọng chi phí điện trên giá vốn hàng bán cao, như: Hóa chất (25-35%), xi măng (12-15%), phân bón (10-15%), nhựa (2-3%), thép (lò cao: 2%).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả