Giá điện tăng có phải cách gánh lỗ cho EVN?
Chuyên gia cho rằng dùng việc tăng giá điện để xử lý các khoản nợ của EVN là không thỏa đáng, giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2023, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục tăng lên bất chấp giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5%. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN mới đây cũng xác nhận tình trạng kinh doanh “không đủ bù đắp chi phí sản xuất điện" của tập đoàn này.
Theo tính toán của EVN, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối vào khoảng 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng chỉ khoảng 1.950,3 đồng/kWh, dẫn đến việc tập đoàn này lỗ lũy kế năm thứ 2 liên tiếp.
Theo báo cáo trình Bộ Công Thương hồi đầu tháng 12/2023, EVN cho biết năm 2023, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 24.595 tỷ đồng. Năm 2022 trước đó, tập đoàn này cũng đã lỗ 26.235 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan.
Cơ sở đưa ra đề xuất điều chỉnh giá điện trong thời gian tới của EVN là để đảm bảo nguồn điện cho mục tiêu GDP tăng 6-6,5% năm 2024 và những năm tiếp theo. Lãnh đạo EVN không né tránh việc “không hoàn thành nhiệm vụ” cung cấp đủ điện cho mùa hè năm 2023, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân hiện cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện/lần nếu các yếu tố đầu vào sản xuất kinh doanh điện tăng. Trong đó, mức điều chỉnh tăng dưới 5%. Tuy nhiên, khả năng điều hành hệ thống, cũng như phương thức quản trị của EVN trong năm qua, đang tạo ra hai luồng ý kiến xung quanh đề xuất tăng giá điện, dự báo sớm được đưa ra tới đây.
Chuyên gia cho rằng giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. .
Một phía cho rằng giá điện tăng có thể tạo động lực để doanh nghiệp và người dân có ý thức hơn trong việc sử dụng năng lượng. Hiện tại, giá điện trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng nếu tăng giá điện, EVN cần đầu tư nhiều hơn vào lưới điện. Ngoài ra, Chính phủ nên yêu cầu EVN nộp thêm ngân sách dựa trên một phần lợi nhuận tăng thêm từ việc tăng giá điện, chứ không được dành toàn bộ khoản tăng thu này cho việc xử lý các khoản nợ của tập đoàn.Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện năng lượng, cho rằng lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản nợ của EVN là không thỏa đáng. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp “khó khăn hơn rất nhiều” và “vượt xa dự tính của ngành điện”.
Về mặt kỹ thuật, theo TS Lâm, trong các đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN trước đây, mới chỉ chú ý đến “các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí”, như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.
“Các biểu giá điện được xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán, chưa đủ độ tin cậy, chưa áp dụng phương pháp chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá hai thành phần công suất và điện năng”, ông nói.
Năm 2024, TS Lâm cho rằng “giá điện cần sự ổn định” để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác, như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.
Quyết định cho phép EVN tăng giá bán điện tùy thuộc vào từng góc nhìn của cơ quan quản lý. Nhưng ông Lâm vẫn khuyến cáo rằng một “lộ trình tăng giá điện phù hợp” sẽ đảm bảo được sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời giữ an toàn tài chính cho ngành điện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận