Giá điện nhìn từ hai phía
Xin nói ngay về hai phía ở đây: một phía là điện sinh hoạt, tiêu dùng còn phía kia là điện sản xuất.
Giới chuyên gia và công luận gần đây “dậy sóng” về việc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện nhưng các trao đổi này chủ yếu là về phía giá điện cho sinh hoạt, còn ít ý kiến tranh luận về hệ lụy của việc tiếp tục duy trì giá điện hiện nay từ góc độ cung ứng điện cho các ngành sản xuất.
Chỉ rẻ theo giá danh nghĩa
Trước hết hãy xem giá điện sinh hoạt của Việt Nam có thực sự rẻ như EVN và Bộ Công Thương lập luận không? Cột 2 bảng 1 liệt kê giá điện danh nghĩa của 11 nước châu Á xếp theo thứ tự giảm dần, hàng cuối cùng là giá trung bình của thế giới - 14 xu Mỹ/kWh vào tháng 6-2018. Lưu ý rằng giá điện của 11 nước liệt kê ở đây chưa phải là cao nhất. Ví dụ, giá điện của Solomon lên tới 99 xu, Vanuatu trên 70 xu (vì nguồn chủ yếu để sản xuất điện là dầu diesel). Theo số liệu ở cột 2, giá điện danh nghĩa của Việt Nam 7 xu Mỹ/kWh đúng là thuộc nhóm rẻ nhất.
Tuy nhiên, dựa vào giá danh nghĩa để so sánh đắt rẻ là không hợp lý. Muốn so sánh phải quy đổi về cùng một mặt bằng dựa vào sức mua ngang giá (Purchasing Power Parity - PPP) (xem cột 3 bảng 1). Chẳng hạn, chi phí ở Nhật đắt xấp xỉ 4 lần so với Việt Nam (93,22/24,95=3,74).
Giá điện cho sản xuất thấp như hiện nay khuyến khích lãng phí điện năng, nhất là khi hiệu suất sử dụng điện quá thấp so với các nước trong khu vực và gián tiếp gây ra ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng điện. |
Sau khi quy đổi theo PPP, giá điện Việt Nam không còn là 7 xu Mỹ/kWh nữa mà đã vọt lên 28 xu Mỹ/kWh, khiến cho giá điện của Việt Nam đắt hơn nhiều nước trong khu vực (Malaysia, Trung Quốc, Singapore...) và xấp xỉ bằng Nhật. Malaysia có giá rẻ nhất, Philippines đắt nhất. Cần nói ngay rằng dùng PPP để quy đổi giá điện cũng không cho kết quả hoàn toàn chính xác mà chỉ rất tương đối mang tính định hướng.
Muốn có kết quả hoàn toàn chính xác phải loại trừ ảnh hưởng của thành phần dịch vụ trong PPP vì tỷ lệ này khá lớn. Nhưng điều này vượt quá khả năng của tác giả bài viết nên tạm chấp nhận sự hạn chế nhất định của công cụ quy đổi dù rằng hạn chế của công cụ PPP này cũng không làm ảnh hưởng lớn tới việc so sánh ở đây.
Việc so sánh ở đây chỉ nhằm mục đích tranh luận với EVN rằng giá điện tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay có đúng là rẻ không. Hoàn toàn không. Như vậy, người dân có quyền chất vấn ngành điện: giá điện sinh hoạt đã cao rồi mà sao EVN lại đòi tăng tiếp? Và EVN cũng đã nói rất rõ: là để bù lỗ cho họ.
Rõ ràng đây là điều rất phi lý. EVN không thể bắt người tiêu dùng bù lỗ cho những yếu kém của chính mình như đầu tư dàn trải ra ngoài ngành dẫn đến thất thoát thua lỗ, đưa các yếu tố không chính đáng vào giá điện như chi phí đầu tư cho các hạng mục giải trí (như xây biệt thự, sân tennis...)(4) hoặc kỹ năng quản trị sản xuất kinh doanh hạn chế (như tỷ lệ thất thoát điện khi truyền tải cao trong khi dư địa còn rất lớn(5), bất cập trong việc vay ngoại tệ mạnh dẫn đến lỗ do tỷ giá...).
Nếu EVN bảo đảm giá điện được xác định hợp lý, không chứa đựng các yếu tố bất hợp lý nêu trên và thực sự minh bạch (thông qua kiểm toán độc lập thay vì thanh tra “cây nhà, lá vườn” như vừa rồi) thì chắc chắn EVN sẽ khó đủ lý lẽ để đề nghị xin tăng giá điện như vừa qua. Nhà nước thông qua EVN duy trì độc quyền trong truyền tải điện, còn trong sản xuất thì EVN cũng phải bình đẳng và cạnh tranh sòng phẳng với các nhà sản xuất điện khác.
Giá điện sản xuất khuyến khích lãng phí điện
Giá điện sinh hoạt đã cao rồi mà sao EVN lại đòi tăng tiếp? Ảnh minh họa Thành Hoa |
Nhìn vào giá điện cho sản xuất, có thể thấy một số điểm đáng chú ý:
Một, điện cho sản xuất chiếm tỷ trọng áp đảo và liên tục tăng: Dựa vào báo cáo thường niên của EVN có thể tính ra tỷ trọng điện cho sản xuất chiếm từ 63% năm 2010 đến 65% năm 2015(6). Hơn nữa, mức tiêu thụ điện cho sản xuất giai đoạn 2010-2015 tăng rất cao (xấp xỉ 12%/năm), gần gấp đôi so với tăng trưởng GDP (bình quân 6%/năm cùng kỳ) và so với mức tiêu thụ điện cho tiêu dùng (9,6%/năm cùng kỳ).
Hai, hiệu suất sử dụng điện ở Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực. Mức sử dụng điện/đầu người/1 đô la Mỹ GDP làm ra ở Việt Nam cao hơn hẳn so với một số nước. Cụ thể: để làm ra 1 đô la Mỹ GDP thì Việt Nam cần tới 0,714 kWh, cao hơn 1,5 lần so với Thái Lan, 1,4 lần so với Malaysia và gần 3 lần so với Philippines. Ngay cả khi tính GDP theo sức mua so sánh (GDP-PPP), mức sử dụng điện trên 1 đô la GDP-PPP cũng vẫn cao hơn các nước trên (trừ Trung Quốc)(7). Nói cách khác, cần có chính sách giá điện thích hợp để hạn chế tiêu thụ điện cho sản xuất.
Ba, tính trung bình, giá bán điện cho sinh hoạt hiện đắt hơn giá bán điện cho các ngành sản xuất xấp xỉ một phần tư (23%) so với 19,2% ở Mỹ (giá điện trung bình toàn nước Mỹ). Cụ thể, giá điện trung bình số học áp dụng từ ngày 1-12-2017(8) cho sản xuất ở tất cả các cấp điện áp (từ dưới 6 kV đến trên 110 kV) và tất cả các giờ trong ngày (giờ bình thường, thấp điểm, cao điểm) là 1.715 đồng/kWh so với 2.110 đồng/kWh - giá trung bình số học cho sinh hoạt ở tất cả 6 bậc(9), tức giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện cho sản xuất 23%.
Từ ba điểm nêu trên có thể rút ra thông điệp gì cho việc điều hành giá điện đối với sản xuất trong thời gian tới?
Thứ nhất, giá điện cho sản xuất thấp như hiện nay khuyến khích lãng phí điện năng, nhất là khi hiệu suất sử dụng điện thấp như đã phân tích trên và gián tiếp gây ra ô nhiễm môi trường do sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng điện.
Thứ hai, giá điện cho sản xuất duy trì ở mức thấp như hiện nay sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào sản xuất điện năng, trong khi theo dự báo, nhu cầu điện tiếp tục tăng cao hơn mức tăng GDP. Hiện nay, sản lượng điện do các thành phần nhà nước cung ứng chiếm 83,3% tổng sản lượng, ngoài nhà nước chiếm 4,7%, đầu tư nước ngoài chiếm xấp xỉ 12%(10). Điều này gián tiếp gây áp lực lên đầu tư công một cách không cần thiết, làm tăng nguy cơ tham nhũng vì đầu tư công luôn là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận