menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Giá điện mặt trời 1 vùng: Lại ám ảnh nỗi lo quá tải

Bộ Công thương vừa chính thức có báo cáo trình Thủ tướng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại VN.

Điểm nổi bật nhất tại báo cáo này là Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc (gọi là 1 vùng) với ngưỡng tổng công suất bổ sung quy hoạch phát triển các dự án ĐMT mới đến năm 2023 là 6.300 MW.

“Ưu tiên” phương án 4 vùng ?

Đáng nói, mặc dù kiến nghị phương án giá điện 1 vùng, song trong báo cáo, Bộ Công thương lại “ưu tiên” phân tích khá kỹ phương án 4 vùng (từng kiến nghị tại tờ trình trước đây). Cụ thể, cơ quan soạn thảo đánh giá ưu điểm của phương án 4 vùng có biểu giá xây dựng cho cả 4 vùng từ miền Bắc đến miền Nam sẽ cho phép các dự án ở những khu vực cường độ bức xạ thấp và trung bình đạt được hiệu quả như các dự án ở khu vực có cường độ bức xạ cao.

Vì vậy, phương án 4 vùng sẽ khuyến khích để thu hút nhà đầu tư phát triển ĐMT trên toàn quốc. Nhờ đó, sẽ bổ sung nguồn cung cấp điện trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện tại miền Nam từ năm 2020 và hỗ trợ đạt được mục tiêu phát triển ĐMT (khoảng 20.000 MW đến năm 2030) đã đặt ra trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo VN từ năm 2015. Đặc biệt, việc phân bố đồng đều khu vực phát triển dự án ĐMT trên toàn quốc sẽ góp phần làm giảm nguy cơ quá tải lưới truyền tải cũng như giảm các tranh chấp quá mức về đất đai khi các dự án ĐMT phân bố đồng đều hơn.

Tại tờ trình của Bộ Công thương, biểu giá mua điện của các dự án ĐMT nối lưới tại điểm giao nhận điện được quy định như sau: dự án ĐMT mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh. Giá mua với dự án ĐMT nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh. Dự án ĐMT mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 cent/kWh.

Trước đó, theo phương án 4 vùng thì giá điện đề xuất là:

Giá điện mặt trời 1 vùng: Lại ám ảnh nỗi lo quá tải - ảnh 1

Nguy cơ quá tải lưới truyền tải

Trong khi đó, ưu điểm của chính sách 1 vùng chỉ là giá đơn giản hơn (do chỉ có 1 mức giá), không cần hỗ trợ cao hơn tại các vùng có tiềm năng bức xạ thấp. Ngược lại, nhược điểm của phương án này là không khuyến khích các dự án tại khu vực miền Bắc, miền Trung để góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện giai đoạn đến 2023 của khu vực miền Nam. “Do tập trung nhiều dự án ĐMT tại các khu vực tiềm năng bức xạ tốt nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải”, báo cáo lo ngại.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng (Hiệp hội Năng lượng VN), cho rằng trong khi cường độ bức xạ khu vực miền Bắc, bắc miền Trung rất thấp, mà chính sách giá lại ngang với các vùng nam Trung bộ và miền Nam thì khu vực phía bắc rất khó phát triển. Trong khi đó, giai đoạn 2026 -2030, miền Bắc được cảnh báo sẽ có xu hướng không tự cân đối được cung cầu điện (các nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, nguồn than nội địa khó phát triển thêm) và phải nhận điện từ khu vực miền Trung thông qua lưới điện truyền tải liên miền Trung - Bắc nên rất cần khuyến khích.

Còn với các nhà đầu tư, điểm khiến họ băn khoăn nhất là giá giảm trong khi nguy cơ quá tải (do đổ xô vào khu vực bức xạ cao) vẫn tiếp tục bị cơ quan quản lý cảnh báo. Đại diện một doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm MW ĐMT lo lắng: “Một số dự án tại Ninh Thuận và Bình Thuận, do quá tải lưới nên hiện chỉ phát lên hệ thống 50 - 60% công suất khiến chỉ số tài chính dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi phải làm việc với nhà băng liên tục vì ngân hàng lo không trả được nợ. Nay nếu dự án mới giá giảm hơn 500 đồng mỗi kWh mà nếu quá tải lưới lặp lại như cơ quan chức năng khuyến cao thì rất khó để thuyết phục bên cho vay”.

Tại hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư dự án ĐMT tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận mới đây, trước bức xúc về tình trạng lưới quá tải, buộc hàng loạt dự án chỉ phát được phân nửa công suất, lãnh đạo Tập đoàn điện lực VN cũng chỉ dám hứa sẽ nỗ lực đến cuối năm 2020 sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy hiện có (chưa kể hàng chục nhà máy đã, đang xin bổ sung quy hoạch). Trên diễn đàn năng lượng tái tạo, một số chuyên gia lẫn doanh nghiệp cũng than phiền rằng nếu dự thảo này được thông qua mà không có sửa đổi thì không thể gọi là “chính sách khuyến khích phát triển ĐMT được mà phải là ngược lại” vì giá mua điện giảm, lại hạn chế quy hoạch (giới hạn 6.300 MW từ nay đến 2023).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả