Giá dầu xác lập kỷ lục 7 tuần tăng liên tiếp
Kể từ cuối tháng 2.2022 khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đây là lần đầu tiên đà leo dốc của giá dầu được hỗ trợ mạnh trong 7 tuần liên tiếp bởi nguồn cung thắt chặt.
Ngay ở phiên đầu tiên của tuần ngày 7.8 (giờ Việt Nam), lo ngại thiếu hụt nguồn cung chính là yếu tố hỗ trợ giá dầu leo dốc.
Saudi Arabia cho biết kéo dài việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9 và có thể cắt giảm sâu sản lượng trong thời gian tới. Còn Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày.
Sang phiên giao dịch ngày 8.8 (giờ Việt Nam), giá dầu bất ngờ lao dốc hơn 1% do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khi thị trường tiếp nhận dự báo triển vọng kinh tế khả quan hơn của Mỹ, giá dầu đã lấy lại đà, leo dốc gần 1 USD trong phiên ngày 9.8 (giờ Việt Nam).
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tăng 1,9% trong năm nay, tăng so với mức 1,5% trong dự báo trước đó.
EIA cũng dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, tăng khoảng 7 USD so với dự báo trước đó. Ngoài ra, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng 850.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên ngày 10.8 (giờ Việt Nam) sau khi các dữ liệu cho thấy, dự trữ xăng của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4.8. Trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 1,7 triệu thùng.
Sang phiên ngày 11.8 (giờ Việt Nam), dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 đã đẩy giá dầu lao dốc. Theo Reuters, trong tháng 7, CPI của Mỹ tăng ở mức vừa phải là 0,2%.
Lạm phát giảm cùng với thị trường lao động hạ nhiệt càng củng cố việc Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thể thực hiện một cuộc giảm dần lãi suất cho nền kinh tế.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần ngày 12.8 (giờ Việt Nam), giá dầu quay đầu tăng nhẹ nhờ dự báo nhu cầu lạc quan từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Ngày 10.8, OPEC dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong khi đó, ngày 11.8 IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và có thể đạt đỉnh mới trong tháng này.
IEA cũng cảnh báo lượng dầu dự trữ toàn cầu có khả năng giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm nay, qua đó có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận