Giá đầu vào tăng, doanh nghiệp bộn bề mối lo
Chưa hết khó khăn với những cơn “sốt” giá cát xây dựng, kể từ đầu năm 2019 đến nay, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất lại có đợt điều chỉnh tăng. Điều này đang khiến các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhà thầu thi công phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
“Nước nổi nhưng bèo không nổi”
Bắt đầu từ ngày 1/5/2019, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng tăng giá bán sản phẩm xi măng đợt 2 kể từ thời điểm đầu năm 2019 với mức tăng giá bình quân từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn. Điển hình như: Công ty CP Xi măng Hướng Dương; Công ty CP Xi măng Hoàng Long; Công ty CP Xi măng Xuân Thành…
Việc nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh giá bán được ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam lý giải là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất như: điện, than, xăng dầu… tăng cao buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán để đảm bảo chi phí sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Cung cảnh báo, nếu giá đầu vào sản xuất xi măng (điện, than…) trong nước cứ tăng, còn giá thị trường thế giới không tăng thì nguy cơ clinker nước ngoài chuyển vào Việt Nam sẽ tăng, ngành xi măng sẽ khốn khó. “Lúc này sẽ là nước nổi nhưng bèo không nổi do còn vướng nhiều thứ. Đó là giá sản phẩm xi măng tăng thì người tiêu dùng sẽ giảm tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất ứ đọng sản phẩm mà tiền đầu tư, kinh doanh đi vay ngân hàng. Thứ hai, khi giá đầu vào sản xuất tăng lên, có doanh nghiệp sản xuất không cầm cự được buộc phải tăng giá bán sản phẩm, nhưng một số doanh nghiệp khác vẫn giữ giá dẫn đến cạnh tranh thị phần gay gắt”.
Để ứng phó với khó khăn này, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần tìm mọi biện pháp để hạ giá thành sản phẩm bằng cách đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến, giảm tiêu hao năng lượng…
Dù giá đầu vào vẫn có những diễn biến khó lường, song Hiệp hội Xi măng dự báo, từ nay tới cuối năm 2019, thị trường xây dựng dự kiến ổn định, khả năng tăng trưởng của ngành xi măng năm nay đạt mức 6% so với năm 2018. Dự báo tiêu thụ xi măng trong nước cả năm khoảng 69 - 70 triệu tấn.
Bên cạnh giá xi măng liên tiếp được điều chỉnh tăng, từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại nguyên vật liệu xây dựng khác cũng “nhảy múa” như: thép, cát…
Nhà thầu tính toán kỹ để giảm rủi ro
Giá đầu vào sản xuất tăng cao không chỉ là nỗi lo với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, mà các doanh nghiệp là nhà thầu cũng đang phải gồng mình.
Mới đây, Tổng công ty Xây dựng số 1 vừa trúng Gói thầu “VGU-W-03-CP4 Xây dựng ký túc xá 1, 2, mái che lối đi bộ khu 4, nhà ở biệt thự (đơn lập, song lập), nhà khách, nhà thi đấu thể thao và cầu Tây” với giá trúng thầu 561 tỷ đồng. Đây là gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án Xây dựng Trường Đại học Việt Đức. Tại gói thầu lớn này, Tổng công ty Xây dựng số 1 ký kết hợp đồng theo loại hợp đồng đơn giá cố định.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Tổng công ty Xây dựng số 1 khẳng định, việc giá vật liệu đầu vào tăng chắc chắn tác động đến nhà thầu. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng loại hợp đồng ký kết.
Đại diện một DN xây dựng lớn trong ngành giao thông cũng chia sẻ, mức tác động sẽ càng rõ rệt hơn khi nguyên vật liệu đó là mua tại nguồn hay chuyển đến tận chân công trình.
Thông tin từ một chủ đầu tư công trình thủy lợi cho biết, đến thời điểm này họ chưa nhận được phản ánh của một nhà thầu nào về việc giá nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng tới nhà thầu. Song, trước diễn biến khó lường của giá vật liệu xây dựng hiện nay, chủ đầu tư các công trình thủy lợi khuyến nghị các nhà thầu cần đọc kỹ yêu cầu của hồ sơ mời thầu để có những nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về yếu tố trượt giá, từ đó giảm thiểu rủi ro ở mức cao nhất khi thực hiện các loại hợp đồng trọn gói hay hợp đồng theo đơn giá cố định. Bởi đây là những loại hợp đồng không cho phép thay đổi đơn giá trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận