Giá dầu thô thế giới giảm do đàm phán thương mại Mỹ-Trung chưa rõ ràng
Giá dầu thô thế giới ngày 18/11 đã giảm hơn 1%, chấm dứt đợt tăng từ tuần trước, trong bối cảnh giới đầu tư vẫn theo dõi diễn biến thương mại toàn cầu khi một thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa chắc chắn.
Giá dầu Brent giao trong tương lai loại LCOc1 đóng cửa ở mức 62,44 USD/thùng, giảm 86 xu, tức 1,4%. Trong khi đó, dầu thô CLc1 trên sàn West Texas Intermediate (WTI) kết thúc phiên giao dịch ở mức 57,05 USD/thùng, mất 67 xu, tương ứng 1,2%. Hai loại dầu trên đều tăng giá nhẹ tuần trước, trong đó giá dầu Brent tăng 1,3% và giá dầu trên sàn WTI tăng 0,8%.
Các chỉ số trên ba sàn giao dịch chính tại Phố Wall cũng giảm so với mức cao kỷ lục tuần trước sau khi có báo cáo lo ngại khả năng Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời. C ác nhà phân tích nhận định thông tin này khiến giá dầu đi xuống. Chuyên gia John Kilduff, một đối tác tại Again Capital LLC ở New York cho rằng giá dầu thô nhạy cảm với mọi diễn biến trong đàm phán thương mại Mỹ- Trung.
Căng thẳng thương mại kéo dài 16 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu và gia tăng quan ngại về dư nguồn cung trong năm 2020.
Tân Hoa Xã ngày 17/11 đưa tin Mỹ và Trung Quốc đã có "đàm phán mang tính xây dựng" ngày 16/11. CNBC dẫn nguồn tin từ Chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không mấy lạc quan về thỏa thuận thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump lưỡng lự trong việc gỡ bỏ các mức thuế đã áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định các yếu tố thị trường thương mại diễn biến không thuận lợi khiến đàm phán gián đoạn, nhu cầu tiêu thụ giảm theo mùa, lo ngại về dôi dư nguồn cung dầu thô trong năm 2020 cũng gây áp lực lên giá dầu. Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,1 triệu thùng vào tuần trước và là mức tăng lần thứ 4 liên tiếp.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thô sẽ giảm trong năm 2020, củng cố khả năng OPEC và các nước sản xuất ngoài OPEC như Nga (hay còn gọi là OPEC+) sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô. OPEC+ sẽ thảo luận về chính sách sản xuất dầu thô vào kỳ họp diễn ra ngày 5-6/12 tại Vienna, Áo. Thỏa thuận hiện nay của OPEC+ có hiệu lực đến tháng 3/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận