Giá dầu thô tăng cao khiến tâm lý giới đầu tư thận trọng
Các thị trường chứng khoán lớn đều điều chỉnh khi chịu áp lực từ giá dầu thô tăng vọt và giao dịch trở nên thận trọng trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo phương Tây bàn về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Tư (23/3), giá dầu tăng vọt gây ảnh hưởng và các nhà lãnh đạo phương Tây bắt đầu tập trung tại Brussels để lên kế hoạch áp thêm các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Nga ngừng xung đột ở Ukraine.
Phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ tìm cách thanh toán bằng đồng rúp cho việc bán khí đốt tự nhiên từ các nước "không thân thiện".
Tâm lý thị trường cũng bị tác động bởi việc giá dầu thô đã tăng 5% lên hơn 121 USD/thùng và giá khí đốt tự nhiên tương lai cũng tăng vọt.
Trong khi giá dầu cao hơn có lợi cho cổ phiếu năng lượng, thì chúng lại là một điều tiêu cực đối với người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp. Cổ phiếu ngành năng lượng thuộc S&P 500 theo đó tăng 1,7% và ngành tiện ích tăng 0,2%, trong khi tất cả các ngành khác thuộc S&P 500 đều giảm trong phiên này.
Mặt khác, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 2,41%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Lợi suất đã tăng liên tục từ đầu tuần, sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell tuyên bố sẽ hành động nhanh và mạnh mẽ hơn để chống lạm phát.
CNBC dẫn lời ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư tại Cresset Capital cho biết: "Các thị trường vẫn đang cố gắng tìm một chỗ đứng vững chắc. Rất khó để đánh giá tác động của việc tăng lãi suất tới lạm phát, nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận. Chưa kể còn cả một cuộc xung đột Nga- Ukraine đang bóp nghẹt nguồn cung dầu mỏ”.
Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 448,96 điểm (-1,29%), xuống 34.358,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 55,37 điểm (-1,23%), xuống 4.456,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 186,21 điểm (-1,32%), xuống 13.922,60 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, do giá dầu tăng vọt đã khiến lo ngại dâng cao về tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và áp lực chốt lời mạnh lên sau những phiên tăng gần đây.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,03% xuống 453,92 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trước đó, với các cổ phiếu tài chính dẫn đầu đà giảm.
Nhóm cổ phiếu các ngân hàng giảm 2,1%, dẫn đầu là mức giảm 9% của Skandinaviska Enskilda Banken AB có trụ sở tại Thụy Điển.
Cổ phiếu năng lượng tăng 2%, được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng trở lại, do thời tiết làm gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga và Kazakhstan thông qua đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC).
Susannah Streeter, Nhà phân tích thị trường tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Ở châu Âu, giá hàng hóa tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động đến tăng trưởng và cũng tác động đến lạm phát. Ngoài ra, luôn có một mức chốt lời nhất định khi bạn chứng kiến chuỗi phiên tăng liên tiếp gần đây. Bên cạnh đó, mức độ nhạy cảm với chỉ số lạm phát ở Anh, hướng đi của lãi suất và sự không chắc chắn đang diễn ra xung quanh Ukraine”.
Thông tin có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường thời gian tới là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới châu Âu để dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO về vấn đề Ukraine.
Kết thúc phiên 23/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 16,09 điểm (-0,22%), xuống 7.460,63 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 189,55 điểm (-1,31%), xuống 14.283,65 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 77,98 điểm (-1,17%), xuống 6.581,43 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, khi các cổ phiếu công nghệ lớn khởi sắc theo chân các công ty cùng ngành trên phố Wall đêm trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, do các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào các biện pháp ổn định nền kinh tế của chính phủ sau khi các nhiễm Covid-19 gia tăng.
Chứng khoán Hồng Kông thêm một phiên tăng nhờ sự tích cực của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa ở mức cao nhất gần ba tuần, sau khi cổ phiếu công nghệ tăng điểm theo chân Phố Wall phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 23/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 816,05 điểm (+3,00%), lên 28.040,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,17 điểm (+0,34%), lên 3.271,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 264,80 điểm (+1,21%), lên 22.154,08 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 25,05 điểm (+0,92%), lên 2.735,05 điểm.
Giá vàng thế giới ngày thứ Tư đã bật tăng trở lại do những lo ngại về tình trạng nền kinh tế Mỹ, khi khi đường cong lợi suất đang có dấu hiệu đảo ngược sau một tuần đầy biến động trên thị trường trái phiếu.
Kết thúc phiên 23/3, giá vàng giao ngay tăng 22,3 USD lên 1.944 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 tăng hơn 5 USD lên 1.945,5 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng vọt do ảnh hưởng từ việc gián đoạn xuất khẩu dầu thô của Nga và Kazakhstan qua đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC).
Cùng với đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp với Mỹ để bàn về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga cũng khiến giá dầu đi lên.
Kết thúc phiên 23/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 5,66 USD (+4,92%), lên 114,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 6,12 USD (+5,03%), lên 121,60 USD/thùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận