Giá dầu thế giới phiên 26/11 giảm do lo ngại nguồn cung tăng cao
Giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng lên gần 50 USD/thùng trong tuần này sau khi ba công ty dược phẩm lớn công bố về việc vắc-xin ngừa COVID-19 có thể bắt đầu được tung ra thị trường trước cuối năm nay.
Trong phiên giao dịch ngày 26/11, giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống từ mức cao của bảy tháng qua trong phiên trước đó khi nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung tăng cao giúp chặn đà tăng giá của “vàng đen” nhờ tâm lý lạc quan rằng vắc-xin phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng lên gần 50 USD/thùng trong tuần này sau khi ba công ty dược phẩm lớn công bố về việc vắc-xin ngừa COVID-19 có thể bắt đầu được tung ra thị trường trước cuối năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch này giá dầu Brent giảm 74 xu Mỹ (1,5%) xuống 47,87 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 66 xu Mỹ (1,4%) xuống 45,05 USD/thùng.
Ông Avtar Sandu, quản lý cấp cao về thị trường hàng hóa của công ty môi giới đầu tư Phillip Futures, cho rằng mặc dù một số yếu tố cơ bản lớn tác động đến thị trường, đặc biệt là việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19, song những lo ngại về xu hướng giá năng lượng giảm vẫn còn duy trì. Theo ông, lệnh phong tỏa được áp dụng khi diễn biến của đại dịch COVID-19 ngày càng xấu đi, số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ tăng và Libya gia tăng việc khai thác dầu mỏ, là những yếu tố rủi ro đối với đà tăng trưởng của giá dầu mỏ.
Trong khi đó, báo cáo mới đây cho thấy kho dự trữ dầu của Mỹ đã giảm 754.000 thùng trong tuần trước, trái ngược với dự báo tăng 127.000 thùng do các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đưa ra. Tuy nhiên, nhu cầu xăng tại Mỹ trong cùng giai đoạn đã giảm 128.000 thùng/ngày xuống 8,13 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng Sáu tới nay. Mỹ đã ghi nhận 2,3 triệu ca lây nhiễm COVID-19 mới trong hai tuần qua.
Các nhà đầu tư đang ngóng chờ cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tuần tới. OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, bao gồm cả Nga, đang có xu hướng trì hoãn việc tăng sản lượng khai thác theo kế hoạch trong năm tới, nhằm giúp thị trường vượt qua tác động từ làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai cũng như việc Libya tăng cường khai thác dầu./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận