menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Dương Quang

Giá dầu thế giới có thể tăng gấp 4 trong thời gian tới, giá xăng dầu trong nước sẽ thế nào?

Quan sát thị trường dầu thế giới từ đầu năm tới nay như đang trải nghiệm tàu lượn siêu tốc khi giá dầu thế giới liên tục đảo chiều, giảm xuống một nửa hay tăng gấp 4 lần trong thời gian tới đều có khả năng. Vậy trong nước, giá xăng dầu sắp tới có thể diễn biến thế nào?

Giá dầu thế giới tăng giảm thất thường, khó dự báo

Đầu năm nay, giá dầu thế giới đã tăng vọt 50% từ mức dưới 80 USD/thùng lên 120 USD/thùng vào tháng 3 do xung đột Nga-Ukraina. Sau mức cao gần đỉnh vào tháng 6, giá dầu lại có cú trượt dần về mốc gần 90 USD/thùng hiện nay do các lo ngại về suy thoái kinh tế cùng triển vọng OPEC tăng nguồn cung.

Những diễn biến thất thường cùng các nhân tố bất ngờ khiến giá dầu trở nên vô cùng khó dự báo. Ngay cả các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới cũng có những dự đoán trái chiều và cách biệt. Điển hình, JPMorgan Chase cảnh báo dầu có thể tăng hơn 4 lần, lên đến 380 USD/thùng nếu Nga đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách cắt giảm 5 triệu thùng dầu/ngày. Ở chiều ngược lại, Citigroup dự đoán giá dầu có thể sẽ xuống chỉ còn 65 USD/thùng vào cuối năm, thậm chí chạm đáy 45 USD/thùng, tức là chỉ bằng một nửa mức giá hiện nay, vào cuối năm sau trong kịch bản suy thoái kinh tế.

Giá dầu thế giới có thể tăng gấp 4 trong thời gian tới, giá xăng dầu trong nước sẽ thế nào?
Giá dầu thế giới từ đầu năm đến nay liên tục đảo chiều. Nguồn: CNBC

Giá dầu trong nước ảnh hưởng bới những yếu tố nào?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp bộ môn Quản trị tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới. Mức giá này tới lượt lại phụ thuộc lớn vào sản lượng của OPEC và các nước có trữ lượng dầu thô lớn như Nga, Iran, cùng tình hình tiêu dùng, sản xuất của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc. Giá dầu tăng vọt do xung đột Nga-Ukraina là một ví dụ điển hình. Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước cũng đang được điều tiết thông qua cơ chế tính giá và điều hành giá của Bộ Công thương. Ngoài ra còn có cơ chế phân chia lợi ích và chi phí giữa các doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý và điều hành thị trường xăng dầu hiện nay vẫn còn có những bất cập. Điển hình là tình trạng lệch pha khi cửa hàng không có xăng để bán nhưng nguồn cung được khẳng định là vẫn dồi dào. Một phần nguyên nhân là do khoảng thời gian giữa 2 kỳ điều chỉnh giá lên tới 10 ngày trong khi giá thế giới biến động liên tục. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng chỉ được phép phụ thuộc vào một đầu mối, nếu đầu mối đó có vấn đề, hoạt động tại điểm bán lẻ sẽ tê liệt. Ngoài ra theo ông Thịnh, còn một vấn đề đáng lưu tâm là cơ chế tính giá chưa có sự linh hoạt và kịp thời. Ví dụ, chi phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam đã tăng lên khoảng 2-3 USD/thùng dầu nhưng hiện Nhà nước vẫn tính là 1 USD/thùng.

Làm thế nào để bình ổn giá xăng dầu trước những cú sốc về giá

Xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất và sinh hoạt. Thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng các công cụ về thuế đối với xăng dầu nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, công cụ thuế không phải chìa khoá vạn năng và có độ trễ nhất định. Ví dụ, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi đó, thuế bảo vệ môi trường cũng đã giảm kịch khung.

Một công cụ khác cũng thường được nhắc tới và có nhiều quan điểm trái chiều là Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo một số chuyên gia, công cụ này chỉ có tác dụng khi biên biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp. Khi giá tăng mạnh, thường xuyên xảy ra tình trạng quỹ bình ổn của các tập đoàn lớn bị âm, sẽ gây nhiều rủi ro, đặc biệt cho các doanh nghiệp.

Giải pháp nhiều chuyên gia đề cập tới là xây dựng kho dự trữ chiến lược về xăng dầu. Đây là giải pháp được rất nhiều nước áp dụng, vừa giúp phòng tránh những cú sốc về giá từ bên ngoài, vừa giúp điều hành được linh hoạt hơn. Hiện nay mức dự trữ ở Việt Nam chỉ đủ duy trì tiêu thụ từ 5-7 ngày, con số được đánh giá là còn quá mỏng. Ví dụ, dự trữ dầu của Mỹ hiện nay là khoảng 99 ngày, Trung Quốc dự định đạt 90 ngày. Đặc biệt Nhật Bản lên tới 224 ngày.

Tại họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: "Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải xem xét điều chỉnh thuế, các yếu tố cấu thành trong xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này. Chính phủ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới để đề xuất Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại