Giá dầu lao dốc 13% - mạnh nhất kể từ tháng 4/2020
Giá dầu thế giới lao dốc trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 26/11) do virus Covid-19 biến thể mới khiến các nhà đầu tư hoang mang trong bối cảnh vốn đã lo ngại tình trạng dư cung có thể tăng trở lại ngay trong quý đầu tiên của năm mới.
Giá dầu và chứng khoán toàn cầu lao dốc hoảng loạn do lo sợ về virus biến thể mà Anh cho biết các nhà khoa học nhận định là nguy hiểm nhất được tìm thấy từ trước tới nay. Chỉ trong phiên này, giá dầu mất 10 USD/thùng, mức giảm chưa từng có kể từ tháng 4/2020.
Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định biến thể mới, có tên là Omicron, là "đáng quan ngại".
Mỹ, Canada, Anh, Guatemala và các nước châu Âu nằm trong số những quốc gia đã hạn chế việc đi lại từ miền nam châu Phi, nơi mà biến thể được phát hiện.
Thị trường toàn cầu bị bán tháo mạnh do các nhà giao dịch "bỏ chạy" tìm nơi trú ẩn an toàn.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách năng lượng của Mizuho cho biết: "Các nhà đầu tư đang cố gắng tất toán hợp đồng phòng tình huống xấu nhất khi biến thể này gây ra sự ‘phá hủy’ lớn đối với nhu cầu".
Cả hai loại dầu đều giảm tuần thứ 5 liên tiếp, với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 – giai đoạn ‘đen tối’ n hất của thị trường dầu mỏ, khi giá dầu WTI lần đầu tiên chuyển thành âm do tình trạng dư cung bởi Covid-19.
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, mang trong mình nhiều đột biến nhất từ trước tới nay, gây lo ngại sẽ có khả năng lây nhiễm mạnh và kháng vaccine cao hơn cả biến thể Delta. Điều đáng lo ngại là loại virus này hiện đã hoàn toàn khác so với bản gốc xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, có nghĩa là vaccine, được thiết kế bằng cách sử dụng chủng ban đầu, có lại, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Keshav Lohiya, người sáng lập công ty phân tích Oilytics, cho biết: "Với những điều ít người biết về nó (virus biến thể mới), thị trường có quyền bị hoảng loạn. "Tuy nhiên, đây là một trò chơi mèo vờn chuột giữa vaccine và các biến thể."
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên 26/11 giảm 9,5 USD, tương đương 11,6%, xuống 72,72 USD/thùng, tính chung cả tuần mất hơn 8%.
Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng giảm 10,24 USD, tương đương 13,1%, xuống 68,15 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm hơn 10,4% với khối lượng giao dịch cao khi thị trường mở cửa trở lại ngay sau ngày Lễ Tạ ơn ở Mỹ (thứ Năm, 25/11).
Giá dầu thế giới đồng loạt lao dốc.
Các nhà khoa học cho đến nay mới chỉ phát hiện được biến thể Omicron với số lượng tương đối nhỏ, chủ yếu ở Nam Phi và cũng có ở Botswana, Hồng Kông và Israel, nhưng lo ngại bởi số lượng đột biến cao có thể khiến virus này kháng vaccine để lây lan nhanh hơn.
Chính phủ Israel ngay lập tức ra thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền nam châu Phi vào diện "cảnh báo đỏ" liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini. Theo đó, những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel.
Chính phủ Anh cũng thông báo đưa thêm 6 quốc gia châu Phi vào "danh sách đỏ" về hoạt động đi lại sau khi Cơ quan An ninh Y tế nước này (UKHSA) bày tỏ mối quan ngại về biến thể Omicron. Sau Anh, một loạt các nước khác cũng có động thái tương tự.
Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết họ sẽ thảo luận với Anh để cố gắng yêu cầu Anh xem xét lại lệnh cấm du lịch của mình.
Nhà phân tích Tamas Varga của PVM cho biết: "Đánh giá ban đầu của OPEC về việc các nước tiêu thụ dầu lớn phối hợp xuất kho dự trữ dầu và sự xuất hiện đột ngột của một virus biến thể mới làm dấy lên lo ngại sâu sắc về tăng trưởng kinh tế và cán cân dầu mỏ trong những tháng tới".
Hoạt động sản xuất của Iran cũng đang được các nhà đầu tư theo dõi, với những cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 tiếp tục nối lại vào thứ Hai, có thể dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Tuy nhiên, nhà phân tích Henry Rome của Eurasia cho rằng việc Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế không đạt được thỏa thuận thậm chí chỉ ở mức khiêm tốn về giám sát các cơ sở hạt nhân của Tehran trong tuần báo hiệu các cuộc đàm phán vào tuần tới sẽ không mang lại kết quả tốt.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi phản ứng của Trung Quốc đối với việc Mỹ giải phóng hàng triệu thùng dầu từ các khu dự trữ chiến lược trong động thái phối hợp với các quốc gia tiêu thụ lớn khác, một phần trong nỗ lực hạ nhiệt giá xăng dầu của nước này.
Giá dầu lao dốc mạnh ngay trước khi diễn ra cuộc họp của nhóm OPEC+ để quyết định về chính sách sản xuất vào đầu năm tới. Nhóm các nước này đang phải chịu áp lực khi Mỹ và các quốc gia khác mở kho dầu Dự trữ chiến lược để ngăn chặn giá xăng dầu tăng mạnh gần đây và có thể sẽ còn tăng thêm nữa. Giá dầu đã tăng lên trên 86 USD/thùng, mức cao nhất trong nhiều năm. Một số nhà kinh tế còn cảnh báo dầu thô có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng, đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Một nguồn tin OPEC cho biết việc Mỹ tung dầu dự trữ ra như vậy có thể sẽ làm tăng nguồn cung trong những tháng tới, dựa trên đánh giá của một nhóm chuyên gia cố vấn cho các bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - Ủy ban Kinh tế của OPEC.
Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường dầu thế giới tháng 12 có thể sẽ dư thừa 400.000 thùng/ngày, và mức dư thừa sẽ tăng nhanh lên 2,3 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2022 và 3,7 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2022 nếu các quốc gia tiêu dùng tiếp tục rút dầu ra từ kho dự trữ.
Những con số không vui đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc họp của OPEC và các đồng minh (OPEC+) vào ngày 2/12 tới, nơi các nhà sản xuất dầu chủ chốt này sẽ quyết định việc có tiếp tục nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022 hay không.
Nhà kinh tế Howie Lee của ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định OPEC sẽ không thay đổi kế hoạch tăng dần sản lượng nếu giá vẫn ở mức 80 - 85 USD/thùng.
Mặt khác, ước tính tổng khối lượng giải phóng từ các kho dự trữ dầu thô chỉ khoảng 70 - 80 triệu thùng – thấp hơn mức dự kiến của thị trường. Do đó, giới chuyên gia nhận định nỗ lực trên chủ yếu nhằm giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung, thay vì gây tác động lớn đến thị trường dầu mỏ.
Tham khảo: Reuters
(Theo Nhịp sống kinh tế)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận