Giá dầu giảm sâu sau khi Ả rập Saudi giảm giá bán và nhập khẩu dầu của Trung Quốc chậm lại
Giá dầu đầu tuần này chứng kiến sự sụt giảm mạnh sau khi Ả rập Saudi công bố đợt giảm giá bán chính thức hàng tháng sâu nhất cho thị trường châu Á trong vòng 5 tháng qua và sự không chắc chắn về nhu cầu của Trung Quốc. Những điều này đang làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của thị trường.
Đầu tuần, giá dầu Brent giao ngay được giao dịch ở mức 42,03 USD/thùng, giảm 1,5% (trước đó đã giảm xuống mức 41,51 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 30/7). Giá dầu thô WTI giao ngay cũng giảm 1,7% xuống 39,1 USD/thùng.
Chuyên gia Tamas Varga tại công ty môi giới dầu khí PVM (Mỹ) cho biết, nhà đầu tư thị trường duy trì tâm lý bi quan về giá dầu từ cuối tuần trước, đồng thời xác suất cao cho rằng giá dầu trong ngắn hạn sẽ giảm. Bên cạnh đó vào đầu tuần nay, Ả rập Saudi đã giảm giá bán chính thức dầu thô Arab Light tháng 10 cho thị trường châu Á với mức giảm sâu nhất kể từ tháng 5 vừa qua.
Chuyên gia Paola Rodriguez-Masiu của Rystad Energy cho biết, giá dầu sụt giảm hiện nay là một dấu hiệu cho thấy động lực hồi phục nhu cầu tại một số khu vực tiêu thụ lớn đang cạn kiệt. Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vốn đang trợ giá cho các công ty nhập khẩu sản lượng kỷ lục đã ghi nhận sụt giảm tiêu thụ dầu trong tháng 8 và tăng xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ (theo dữ liệu hải quan Trung Quốc ngày 7/9).
Giám đốc thị trường năng lượng và an ninh năng lượng của IEA cho biết, có nhiều dấu hiệu bất ổn đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhất là quan hệ kinh tế của nước này với một số quốc gia phát triển như Mỹ và một số nước trong Liên minh châu Âu. Tình hình thị trường hiện nay không thực sự lạc quan như nhiều dự báo trước đó. Những dấu hiệu không chắc chắn về tiêu thụ và tình trạng dư thừa nguồn cung đang “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng. Kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động tại Mỹ kết thúc vào thứ Hai (7/9) đánh dấu kết thúc mùa nhu cầu cao điểm tại Mỹ. Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ khá “mờ nhạt” tại nước này.
Nhận định
Theo ý kiến của các chuyên gia có thể thấy, mặc dù quá trình phục hồi tiêu thụ dầu thô toàn cầu cơ bản vẫn đang trên quỹ đạo tăng trong dài hạn, song thị trường đang phải đối mặt với những thách thức trong ngắn hạn, gây áp lực giảm đối với giá dầu. Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 tiếp tục gây thiệt hại cho quá trình phục hồi của nhiều nền kinh tế chủ chốt, nhất là Ấn Độ, một số nền kinh tế EU (Pháp, Tây Ban Nha, Đức) ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục kể từ tháng 5. Bên cạnh đó, khả năng “hấp thụ” các nguồn cung dầu thô của Trung Quốc bộc lộ những dấu hiệu không chắc chắn và bền vững. Ngoài ra, tình hình dư thừa nguồn cung, khả năng dự trữ dầu thô tại một số khu vực cũng sẽ gây áp lực đến giá dầu trong tháng 9 này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận