Giá dầu Brent kết thúc tuần giao dịch ở mức cao nhất trong 2 năm
Thị trường dầu thế giới đã có một tuần khá thăng hoa khi 5 phiên giao dịch hầu hết đều tăng.
Giá dầu Brent thế giới kết thúc tuần giao dịch ở mức cao nhất trong hai năm, khi các số liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và kỳ vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu phục hồi đã lấn át lo ngại về khả năng nguồn cung từ Iran tăng mạnh nếu nước này được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 17 xu (tương đương 0,2%) lên 69,63 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2019. Tuy nhiên, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 53 xu (0,79%) xuống 66,32 USD/ounce.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của ngân hàng Commerzbank cho biết nhờ các số liệu kinh tế khả quan và tâm lý ưa thích rủi ro của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, giá dầu Brent một lần nữa thử sức ở mốc 70 USD/thùng vốn khá quan trọng về mặt tâm lý đối với thị trường.
Ông nói thêm rằng những mối quan tâm về nhu cầu năng lượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang nhường chỗ cho sự lạc quan khi người tiêu dùng đang nhanh chóng quay trở lại các hoạt động chi tiêu.
Nhìn chung, thị trường dầu thế giới đã có một tuần khá thăng hoa khi 5 phiên giao dịch hầu hết đều tăng.
Mở đầu tuần mới, giá dầu thế giới tăng hơn 3% trong phiên giao dịch 24/5 do nhu cầu tăng mạnh nhờ các chương trình tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19 được triển khai rộng hơn đã giúp tâm lý của giới giao dịch lạc quan.
Thị trường năng lượng thế giới tiếp tục đi lên trong phiên 25/5, với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn (được gọi là nhóm OPEC+) có thể đang kiểm soát được cung cầu trên thị trường nhờ thỏa thuận hạn chế sản lượng và những nỗ lực cắt giảm tự nguyện. OPEC+ có thể tăng sản lượng trên 2,1 triệu thùng/ngày từ tháng Năm đến tháng Bảy, khi nhu cầu phục hồi.
Trong phiên giao dịch ngày 26/5, đà tăng của giá “vàng đen” vẫn kéo dài khi lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm đã cùng cố những đồn đoán về sự phục hồi nhu cầu dầu trước thềm mùa Hè cao điểm.
Số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu dự trữ của nước này tại mỏ Cushing, Oklahoma, trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hiệu suất sử dụng lên các mức như thời kỳ trước đại dịch.
Giá dầu tăng thêm 1% trong phiên 27/5 bất chấp những lo ngại của nhà đầu tư về khả năng nguồn cung của Iran tái gia nhập thị trường đã gây sức ép lên giá “vàng đen” hồi đầu phiên. Giới phân tích nhận định số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ về thị trường lao động và chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp đã “lấn át” những nỗi lo trên.
Với diễn biến trong phiên 28/5, dầu Brent và dầu WTI lần lượt tăng 4,8% và 4,3% tính chung trên cả tuần. Còn trong cả tháng 5/2021, giá dầu WTI tăng 4,3% còn dầu Brent tiến 3,5%.
Các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi gần 100 triệu thùng/ngày trong quý III/2021 khi mùa du lịch mùa Hè ở châu Âu và Mỹ diễn ra sau các chương trình tiêm chủng COVID-19.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp ở châu Á vẫn gây áp lực lên giá dầu. Theo thống kê của hãng tin Reuters, số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực Nam Á đã vượt ngưỡng 30 triệu ca vào thứ Sáu (28/5), dẫn đầu là Ấn Độ, nước đang phải vật lộn với đợt COVID-19 thứ hai và tình trạng thiếu vaccine trong toàn khu vực.
Bên cạnh đó, triển vọng về việc nguồn cung dầu từ Iran sẽ tăng rên thị trường cũng hạn chế đà đi lên của “vàng đen”.
Ông Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho chi nhánh New York, cho biết Iran sẽ làm chậm lại đợt tăng giá này của dầu. Ông viện dẫn rằng giới đầu tư đang thận trọng về khả năng một thỏa thuận tiềm năng giữa Iran và các cường quốc phương Tây có thể đẩy nguồn cung trên thị trường tăng mạnh.
Cân bằng giữa kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu với khả năng nguồn cung từ Iran gia tăng, OPEC+ có khả năng sẽ giữ nguyên kế hoạch hiện tại là nới lỏng dần hạn chế nguồn cung dầu tại cuộc họp vào thứ Ba tuần tới (1/6)./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận