Giá đất tăng theo thông tin dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô
Giá đất nền nhiều khu vực nơi tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đi qua như thỏi nam châm thu hút NĐT tìm kiếm cơ hội.
Quán cà phê Dream Coffee ngay góc ngã tư đường Mê Linh, Hà Nội, giao cắt với trung tâm hành chính của huyện Mê Linh từ sau Tết Nguyên đán 2022 trở lại đây trở thành điểm tụ họp của nhiều nhóm nhà đầu tư bất động sản, theo Tinnhanhchungkhoan.
“Có lô đất cần bán gấp ở ngay điểm đầu dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô và gần Khu công nghiệp Hiền Ninh - Tân Dân chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng, cuối tuần rảnh em dẫn anh đi xem”, Văn Trung - một “thổ địa” tại Mê Linh nói ngắn gọn với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán và cho biết thêm, mấy tháng nay, hầu như ngày nào cũng có người hỏi tìm mua đất dọc tuyến đường Vành đai 4 nên team của môi giới này làm không hết việc.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2022, chính quyền huyện Mê Linh - một trong những địa phương nơi tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua, đã tổ chức thành công phiên đấu giá 33 lô đất tại điểm X1, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông với 270 lượt khách hàng tham gia đấu giá, thu về gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, qua đó xác lập kỷ lục giá mới đất nền khu vực này.
“Mặc dù dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô mới ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, thế nhưng giá đất tại những khu vực thuộc quy hoạch dự án không ngừng tăng cao”, Trung nói và chia sẻ thêm, giá đất thổ cư một số nơi đã tiệm cận với mức giá bất động sản cao nhất của quận, huyện đó.
Tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại… là một trong những mục tiêu khi dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được tái khởi động từ 2 năm trước. Đây cũng là lý do khiến nhiều người đổ về đây săn đất với kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận cao khi giá đất tăng nhanh.
Không chỉ Mê Linh, ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tại huyện Sóc Sơn, giá đất thổ cư khu vực thuộc các xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh cũng tăng 3-4 lần so với cách đây 1 năm, cao nhất là những khu đất nằm dọc theo tuyến đường 35 với giá bán lên tới 30-40 triệu đồng/m2. Tương tự, tại các xã Nam Sơn hay Bắc Sơn, vào thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, đất nông nghiệp ở đây có giá chưa tới 1 triệu đồng/m2 và rất ít người hỏi mua do lo ngại môi trường sống bị ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn, thế nhưng hiện nay, số người tìm kiếm tăng vọt, giá cũng tăng lên vài lần, thậm chí đất lâm nghiệp, đất rừng... cũng được “cò” rao bán rầm rộ.
“Trước kia, đất làng ở các xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh… chỉ có giá khoảng 3-4 triệu đồng/m2, đến nay nhiều người trả giá lên tới 9-16 triệu đồng/m2 mà chủ đất còn chưa muốn bán vì cho rằng giá sẽ còn tăng tiếp”, chị Nga - một môi giới đất nền thị trường Sóc Sơn cho hay.
Tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), thời gian qua, địa phương này tổ chức nhiều phiên đấu giá đất với giá trúng cao hơn từ 2-5 lần giá khởi điểm, kéo giá đất ở các khu vực lân cận tăng vọt theo. Nhiều lô đất giá khởi điểm chỉ từ 8 triệu đồng/m2, nhưng sau tăng lên tới 30-40 triệu đồng/m2, cá biệt có lô giá trúng lên tới 66,8 triệu đồng/m2, gấp 5,4 lần so với giá khởi điểm. Không chỉ lô có vị trí đẹp, những lô đất trong ngõ nhỏ cũng được rao bán với mức giá 35-40 triệu đồng/m2, tăng 2-3 lần so với thời điểm 1-2 tháng trước đó.
“Ai mà mua cách đây vài tháng là hời lắm, lúc đấy giá chỉ hơn chục triệu đồng mỗi mét vuông. Tuy nhiên, đà tăng được cho là sẽ chưa dừng lại”, Tuấn Anh - một môi giới bất động sản tự do tại Thanh Oai nói và chia sẻ thêm, chính vì kỳ vọng giá còn tăng mạnh nên nhiều chủ đất quyết “giữ hàng” không bán, cho dù có nhiều người hỏi mua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận