Giá đất nền trong quý III giảm nhẹ
Nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý. Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong quý III/2022 có 57 dự án với 18.885 căn hộ được các sở có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Số lượng dự án bằng khoảng 71,3% so với quý II/2022. Tại miền Bắc có 26 dự án với 10.925 căn; miền Trung có 10 dự án với 1.073 căn; miền Nam có 21 dự án với 6.887 căn. Riêng tại Hà Nội có 7 dự án với 6.158 căn; tại TP. Hồ Chí Minh có 4 dự án với 2.144 căn.
Qua tổng hợp tại các địa phương cho thấy, giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý III/2022 cơ bản ổn định so với quý trước, giá nhà ở chung cư tại một số khu vực tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tăng hơn so với quý II. Theo báo cáo của các địa phương, trong quý III vừa qua có 115.129 giao dịch đất nền thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý II/2022. Cụ thể, tại miền Bắc có 21.806 giao dịch, tại miền Trung có 18.789 giao dịch và tại miền Nam có 74.534 giao dịch.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, nhìn chung, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tại Hà Nội, dự án Starlake Hà Nội (Tây Hồ) có giá khoảng 279,2 triệu đồng/m2, dự án The Jade Orchid có giá khoảng 200,4 triệu đồng/m2, dự án Khai Sơn City (Long Biên) có giá khoảng 176,2 triệu đồng/m2. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án Palm City (Quận 2) có giá khoảng 188 triệu đồng/m2, dự án Saigon Mystery Villas (Quận 2) có giá khoảng 225 triệu đồng/m2, dự án Lavila Kiến Á - Nhà Bè (Huyện Nhà Bè) có giá khoảng 126,7 triệu đồng/m2.
Trong quý III/2022, thị trường bất động sản có tổng số 51.003 giao dịch, có 18.885 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 7.124 doanh nghiệp, tăng 31,9%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.769 doanh nghiệp, tăng 77,3%. Số liệu cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã dần phục hồi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.
Đánh giá tình hình thị trường bất động sản quý III/2022, ông Hà Quang Hưng cho rằng, tại các địa phương không còn tình trạng tăng “nóng, sốt” cục bộ như những tháng đầu năm. Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Bên cạnh đó, nguồn cung về bất động sản chưa có sự cải thiện nhiều, nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý. Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 năm 2023. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các địa phương cần khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ nay đến năm 2025 và 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Nhà ở, trong đó xác định rõ danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương cần rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận