Giá đất một số khu vực sẽ lao dốc, cắt lỗ sau khi tăng phi mã
Ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản cho thấy, trong quý I/2021, giá đất tại một số nơi đã tăng chóng mặt, trung bình 10% sau một tháng, thậm chí có địa phương tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.
Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, giá đất tăng trung bình 10% sau một tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Ngoài ra, có hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn,...
Nhiều cò đất thường xuyên tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Cụ thể, ghi nhận của VARs tại Bắc Giang, đất ven khu công nghiệp sôi động, đặc biệt là tại TP. Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng. Ở trong khu vực này, ven 4 Khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điển nóng của thị trường, giá dao động 25 - 40 triệu đồng/m2. Tăng khoảng 50 - 70% so với cuối năm 2020.
Tại Hải Phòng, các vùng ven thành phố, hoạt động mua bán đất trong dân diễn ra sôi động. Giá hiện tại dao động 8 - 15 triệu đồng/m2. So với cuối năm 2020, giá trung bình tăng 60 - 70%.
Đặc biệt là sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu, giá đất tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn. Từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.
Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12 - 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.
Ngoài ra, trong quý I, giá bất động sản tại một số địa phương sốt nóng trước đó giờ chỉ tăng nhe. Ghi nhận tại Đồng Nai, giá bất động sản trong khu vực trung Tâm Biên Hòa giao động nhẹ 2 - 5%, các thị trường vùng trũng tăng rất mạnh từ 10% - 20% kể từ cuối năm 2020.
Tương tự, giá đất Phú Quốc cũng đang tăng nhẹ 5 - 10% so với 2020; Giá đất nền khu trung tâm Phú Quốc hiện rơi vào khoảng từ 100 triệu đồng tới 400 triệu đồng/m2.
Theo VARs, nguyên nhân của tình trạng sốt đất trên là do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng tăng 15 - 20%. Nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Do đó, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.
Ngoài ra, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.
VARs cho rằng, giá đất nhiều nơi tăng cao sẽ cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Kinh tế không phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh, những người đầu tư đất chưa kịp bán ra sẽ thua lỗ nặng. Đặc biệt là những người sử dụng đòn bẩy tín dụng có cầm cố tài sản của chính mình.
Bên cạnh đó, giá đất tăng cao sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát trển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Điều này cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang,… cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộ.
Trước tình trạng trên, chính quyền một số địa phương thời gian gần đây đã vào cuộc để kiểm soát các hoạt động mua bán trái quy định pháp luật. “Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý trước. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ”, VARs dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận