Giá cước vận chuyển container tăng “chóng mặt”, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, giá cước tàu biển từ Việt Nam đi Anh vào tháng 10/2020 là 1.540 USD/cont 40", sang tháng 11/2020 giá cước đã tăng mạnh lên 5.450 USD/cont và báo giá tháng 12/2020 là 7.200 USD/cont.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), mới đây Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Bộ làm việc với các hãng tàu biển để tăng chuyến, tăng cường đưa container về Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Bộ GTVT quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các đại lý hãng tàu nhân cơ hội tăng giá, thu các khoản phí bất hợp lý gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị cần đẩy mạnh vận chuyển hàng hoá sang Châu Âu bằng đường sắt để giảm phụ thuộc vào đường biển. Việc tăng giá cước tàu biển và khan hiếm container sẽ tác động tiêu cực, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
VASEP cho biết, kể từ tháng 10/2020, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã phản ánh về tình trạng giá cước tàu biển tăng cao, khó đặt thuê tàu cùng với đó là khan hiếm container rỗng để đóng hàng. Trong khi, theo phản ánh của các Hiệp hội và doanh nghiệp, tình trạng hàng xuất khẩu container bằng đường biển chiếm tới 40-50% khối lượng hàng hoá của cả nước.
Theo VASEP, mức giá cước tàu biển từ Việt Nam đi Anh vào tháng 10/2020 là 1.540 USD/cont 40", sang tháng 11/2020 giá cước đã tăng mạnh lên 5.450 USD/cont và báo giá tháng 12/2020 là 7.200 USD/cont.
Tương tự, mức giá cước từ Việt Nam đi Los Angeles (Mỹ) trước tháng 10/2020 cũng chỉ ở mức 700-1.000 USD/cont mà nay tăng lên đến trên 5.000 USD/cont. Cùng với đó là hiện tượng thiếu hụt container rỗng để đóng hàng xuất khẩu.
Khảo sát từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, hiện có đến 40% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại điểm tập kết.
Việc này dẫn đến hàng hoá phải lưu kho chờ xuất khẩu, chi phí lưu kho, lưu bãi đội lên từ 5-10% giá trị lô hàng chưa kể có thể làm suy giảm chất lượng hàng hoá.
Ngoài ra, việc tăng giá cước thuê tàu cũng có thể gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng như: Phí xếp dỡ, phí mất cân bằng container, phụ phí mùa cao điểm,...Tất cả những yếu tố này làm đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận