Giá cổ phiếu của một công ty tăng tới 800%, 'cơn sốt' cổ phiếu meme vẫn chưa kết thúc?
Mặc dù Tupperware Brands Corp. đứng trước bờ vực phá sản trong nhiều tháng, nhưng các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang thúc đẩy một đợt phục hồi đáng kinh ngạc gợi nhớ đến cơn sốt cổ phiếu meme trong thời kỳ dịch Covid-19.
Nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm nổi tiếng đã tăng 768% trong 2 tuần qua khi người mua đổ tiền vào cổ phiếu, trừng phạt những người bán khống và khơi dậy sự nhiệt tình trên các nền tảng giao dịch bán lẻ.
Sự cuồng loạn chứng tỏ rằng cơn sốt chứng khoán meme chưa kết thúc. Vào năm 2021, một đợt bán non cổ phiếu GameStop cùng các chứng khoán khác diễn ra trên nhiều sàn giao dịch chứng khoán đã gây ra hậu quả tài chính nghiêm trọng cho một số quỹ phòng hộ Melvin Capital.
Đợt bán non khiến giá cổ phiếu GameStop, một nhà bán lẻ trò chơi điện tử, tăng gần 190 lần so với mức thấp kỷ lục trước đó, với mức giá cao nhất đạt 500 USD một cổ phiếu vào ngày 28/1/2021, khiến các nhà đầu tư bán khống bị lỗ nặng. Khoảng 140% cổ phần GameStop đã bị bán khống và áp lực mua lại của các nhà đầu tư chỉ khiến giá cổ phiếu càng ngày càng tăng. Đợt bán non này ban đầu được khởi xướng từ các thành viên của cộng đồng r/wallstreetbets trên Reddit thông qua các ứng dụng giao dịch không hoa hồng như Robinhood và Webull.
Hãng gia dụng 77 năm tuổi của Mỹ nằm trong số những mã cổ phiếu đang được quan tâm nhiều nhất trên phòng chat Stockwits của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, theo Fortune. Lượt nhắc đến Tupperware trên diễn đàn WallStreetBets của Reddit cũng nhảy vọt cùng với giá cổ phiếu.
Tháng 4 năm nay, Tupperware - tập đoàn Mỹ 77 năm tuổi nổi tiếng với các sản phẩm hộp đựng thức ăn đã tuyên bố sắp cạn kiệt tiền mặt để duy trì hoạt động.
Tupperware khi đó cho biết phải cân nhắc sa thải quy mô lớn và đánh giá lại danh mục như một cách để thắt lưng buộc bụng. Sở Giao dịch Chứng khoán New York cũng cảnh báo cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính năm không được đệ trình như yêu cầu, theo CNN.
Bất chấp những dấu hiệu kể trên cho thấy Tupperware đang đứng trên bờ vực phá sản, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mua vào 15 triệu USD cổ phiếu của hãng gia dụng này kể từ ngày 21/7, tờ Fortune dẫn số liệu từ Vanda Securities.
Theo Marketwatch, cổ phiếu của Tupperware tăng 304,5% trong 5 phiên giao dịch và 767,7% trong 10 ngày tính đến 1/8. Mặc dù giá cổ phiếu đã tăng 273,5% trong 3 tháng, nhưng hãng vẫn ghi nhận mức giảm 39,3% trong 12 tháng qua.
Giá cổ phiếu của một doanh nghiệp đang gặp khó tăng vọt thường đi kèm với dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc hoặc tìm được người mua đủ điều kiện. Đối với Tupperware, không có bằng chứng nào cho thấy một trong 2 điều đó đã xảy ra.
Hãng gia dụng này cho biết đã đạt được thỏa thuận miễn trừ với một số chủ nợ vào cuối tháng 6, nhưng vẫn dự báo không đủ thanh khoản để thanh toán tiền lãi tháng 7.
CNN dẫn một số bài đăng trên Reddit có thể giải thích cho đà tăng cổ phiếu của công ty. Trong đó, nhiều người mua vào bởi cho rằng đây sẽ là đợt bán khống lớn tiếp theo.
“Vẫn ném 3.000 USD vào Tupperware. Điều tương tự cũng xảy ra với Bed Bath & Beyond vào mùa hè năm ngoái. Miễn là tôi không chơi quá nhiều và có điểm dừng lỗ thì tôi có thể chấp nhận mất vài trăm USD", một người dùng khác cho biết.
Cổ phiếu của Tupperware cũng giống các cổ phiếu meme khác đã bị bán khống rất nhiều. Khoảng 30% cổ phiếu của hãng sẵn có cho giao dịch hiện đang bị bán khống, mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Đà tăng giá cổ phiếu Tupperware cũng khiến các tay bán khống lỗ 37 triệu USD, chi phí để bán khống tăng hơn 10 lần trong tháng qua, tờ Fortune dẫn dữ liệu từ công ty phân tích S3 Partners.
Tỷ lệ bán khống ở mức cao và chi phí để thực hiện những khoản đặt cược cũng không nhỏ cho thấy Phố Wall không tin rằng cuộc phục hồi này sẽ kéo dài.
Bằng chứng là cổ phiếu của Tupperware đã giảm 18,8% trong phiên giao dịch sáng ngày 2/8 (theo giờ Mỹ), đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 8/5 (giảm 27,5%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận