menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

Gia cố bộ đệm dự phòng rủi ro, ngân hàng dè dặt mục tiêu 2023

Trong bối cảnh chất lượng tài sản tại nhiều ngân hàng có xu hướng suy yếu, nợ xấu nguy cơ tăng cao, nhất là rủi ro nợ xấu tiềm ẩn đến từ danh mục tín dụng bất động sản và trái phiếu bất động sản, các ngân hàng cũng đang đối mặt với áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Trong 2 năm qua, nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao kỷ lục.

Dù đây vẫn được coi là bộ đệm dự phòng giúp các ngân hàng chống chịu với những cú sốc trong tương lai nhưng việc trích lập dự phòng tăng cao đang “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng dè dặt hơn khi đặt ra các mục tiêu kinh doanh trong năm nay?

Gia cố bộ đệm

Chủ động tăng cường trích lập dự phòng sớm là cách mà các ngân hàng củng cố nguồn lực, gia cố bộ đệm để chống chọi với rủi ro tín dụng.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 đã công bố, tổng mức trích lập dự phòng trong năm 2022 của các ngân hàng đạt gần 168.218 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm trước. Trong đó, có 10 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên mức 100%, tức số dư dự phòng vượt quy mô nợ xấu phát sinh.

Xét về số dư dự phòng tính đến hết 31/12/2022, có 20/28 ngân hàng ghi nhận mức trích lập tăng so với năm 2021. Các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao nhất phải kể tới Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 38.198 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) 29.764 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 24.779 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 13.675 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 11.975 tỷ đồng…. Tính riêng số dư dự phòng của 5 ngân hàng này đã chiếm tới hơn 70% tổng trích lập dự phòng rủi ro của loạt ngân hàng được thống kê.

Xét về tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/nợ xấu), nhiều ngân hàng có bộ đệm dày với quy mô gấp vài lần nợ xấu nội bảng như Vietcombank 317% (tức mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng trích ra 3,17 đồng dự phòng), MB 238%, BIDV 217%, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) 204%, VietinBank 188%..

Nhưng đáng chú ý, tỷ lệ này đang có sự sụt giảm tại 17/28 ngân hàng. Ngay cả “quán quân” Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm mạnh hơn 100 điểm % so với mức kỷ lục 421% hồi cuối năm 2021. Một số ngân hàng cũng giảm mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)…

Thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm 24% so với cùng kỳ, xuống còn 120,9% vào cuối năm 2022. Mức giảm phần lớn tác động bởi các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu đặc biệt cao như Vietcombank, MB, ACB, Techcombank...

Những con số này phản ánh bộ đệm dự phòng đang có có xu hướng "mỏng" đi, tốc độ tăng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng nợ xấu.

Dù vậy, theo Mirae Asset Việt Nam, trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm và việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập dư cho nợ tái cơ cấu không đáng kể thì chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm 2022.

“Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu không những khó có thể duy trì mà có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn”, báo cáo của Mirae Asset Việt Nam viết.

Trước đó, nhóm phân tích cũng chỉ ra nguyên nhân nợ xấu tăng cao trong năm 2022 một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19.

Dè dặt mục tiêu

Nhận thức rõ những khó khăn phải đối mặt, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 một cách khá thận trọng và không có nhiều đột biến. Điều này thể hiện qua các tài liệu dự kiến trình cổ đông trong các buổi đại hội thường niên tới đây.

Cụ thể trong năm nay, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 12.200 tỷ đồng, chỉ tăng 15% so với năm 2022. Tốc độ này đã giảm gần một nửa so với mức tăng 32% trong năm trước đó.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chỉ ở mức 5-6% với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, giảm tốc đáng kể khi năm 2022, Nam A Bank vừa thu về 2.268 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 26% so với năm 2021.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiết lộ mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 35%, đạt 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Kế hoạch này được đưa ra ngay sau khi Eximbank thu về 3.709 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2022, tăng tới 207% so với năm liền trước.

Trong khi tại Vietcombank, mục tiêu lợi nhuận trước thuế dù kỳ vọng vượt 41.000 tỷ đồng nhưng mức tăng chỉ khoảng 12% so với năm 2022. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức tăng 39% mà ngân hàng này vừa đạt được trong năm qua.

Ông Nguyễn Hữu Trung - Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), nhận định khả năng sinh lời của ngành ngân hàng năm nay sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Đây là thời điểm mà các ngân hàng sẽ đi chậm lại để đồng hành hiệu quả hơn cùng với khách hàng.

Bởi bên cạnh những tác động từ việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm kiểm soát lạm phát, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn khi nhu cầu của thế giới đi xuống, số lượng đơn đặt hàng suy giảm rõ rệt, trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng.

"Xu hướng này dự báo còn kéo dài tới hết nửa đầu năm 2023. Như vậy, các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngành ngân hàng", ông Trung chia sẻ.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm trước nhưng sang đến năm 2023, mức tăng sẽ chậm lại, dự báo chỉ đạt từ 10-11%.

Nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra những yếu tố tác động đến lợi nhuận ngân hàng năm nay như chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Trong đó, VDSC lưu ý nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Thậm chí, VNDirect cho rằng sẽ có ngân hàng chủ động “hi sinh” một phần biên lãi ròng để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai. Bởi trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 56-75% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023. Mức độ kỳ vọng này đã thấp hơn so với năm 2022.

Bài 3: Nợ xấu không thể tự biến mất nếu chỉ 'quét rác dưới thảm'

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại