Giá chung cư tại TP. HCM chạm ngưỡng 65 triệu đồng/m2
Làn sóng ăn theo quy hoạch và thông tin dự án lớn đang tác động tích cực đến bức tranh thị trường bất động sản (BĐS) khu Nam TP. HCM. Đây là lần thứ 2 sau COVID-19, khu vực này được nhắc đến bởi lộ diện các thông tin lạc quan về dự án, quy hoạch – vốn âm thầm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư mua bán cũng như tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia thị trường BĐS.
Theo chủ trương Đề án đầu tư của UBND TP. HCM, trong giai đoạn 2021 - 2030, bốn huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi sẽ được định hướng phát triển từ huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP. HCM. Riêng Nhà Bè dự kiến sẽ trở thành đô thị vệ tinh như khu vực Phú Mỹ Hưng quận 7.
Cũng như TP. Thủ Đức, huyện Nhà Bè đã và đang chuẩn bị những điều kiện nhất định để trở thành đô thị vệ tinh. Như vậy, 5 huyện ngoại thành TP. HCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đang đặt mục tiêu lên thành phố vào năm 2030.
Theo kế hoạch, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP. HCM) giai đoạn 2021 - 2030 trình UBND TP. HCM trước ngày 30/9. Sau đó, UBND TP. HCM sẽ chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.
Theo Nhịp sống Kinh tế, hiện, các dự án bất động sản tại quận 7 đều được phát triển dọc theo tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ và bắt đầu kéo dài đến Nguyễn Thị Thập - tất cả đều phù hợp theo chủ trương quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, loạt dự án hạ tầng của Khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đang tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản khu vực này. Chẳng hạn như hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) chính thức khởi công giai đoạn 1.
Ngoài ra, 2 dự án trọng điểm là cầu Thủ Thiêm 3 (nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2 qua Q.4) và cầu Thủ Thiêm 4 (kết nối giữa Q.2 qua Q.7) với quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cũng đang được thành phố đẩy nhanh thực hiện.
Hay loạt các dự án trọng điểm khác tại khu vực này như cầu Nguyễn Khoái, Q.7 kết nối với Q.4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng), dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (Q.4), dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các Q.4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ước tính, sắp tới khu Nam Sài Gòn sẽ dòng vốn lên đến 5 tỷ USD cho hạ tầng và đầu tư công.
Những tín hiệu tích cực đang thúc đẩy dòng tiền của nhà đầu tư hướng vào bất động sản khu Nam TP. HCM. Trong tương lai, khu vực này được đánh giá sẽ tiếp tục là nơi "đổ bộ" của nhà đầu tư lớn.
Theo Zing, giá bán căn hộ trung bình tại TP.HCM trong quý 2/2022 đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý 1/2022. Giá bán phân khúc này được dự báo tăng khoảng 5-10%/năm trong thời gian tới.
Đáng chú ý, giá bán nhà thấp tầng tiếp tục đạt kỷ lục, nhờ nguồn cung mới có vị trí ven sông, kèm nhiều tiện ích nổi bật. Giá bán nhà phố ở dự án mới khoảng 36 - 42 tỷ/căn, dinh thự 180 tỷ/căn.
Nguồn cung căn hộ mới trong quý 2/2022 đạt 14.400 sản phẩm, tăng 4 lần so với quý trước. Mặc dù số lượng tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Nguồn cung trong 6 tháng cuối năm dự kiến chủ yếu đến từ thị trường Bình Dương và Long An ở các khu vực ven khu công nghiệp, khu vực có quy hoạch nâng cấp, mở rộng hạ tầng. Tuy nhiên, số lượng dự án mới tại khu vực không tăng trưởng mạnh do chính sách siết quản lý bất động sản.
Tại miền Trung, trong 6 tháng đầu năm, giá bán đất nền ghi nhận tăng 10-15% một vài khu vực diễn ra sốt đất. Nhà liền thổ tại Đà Nẵng xác lập kỷ lục, trong khi các khu vực khác có biên độ tăng thấp.
Với thị trường miền Tây, đơn vị này dự báo khi các khu công nghiệp được chú trọng quy hoạch và thu hút đầu tư tại các tỉnh Miền Tây, bất động sản công nghiệp sẽ phát triển mạnh, tạo đà tăng trưởng cho các dự án bất động sản nhà ở.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận